Đô thị phát triển nhanh hơn so với quy hoạch được duyệt
Bắc Ninh gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, thị, thành phố với 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường. Diện tích tự nhiên khoảng 822,7km2, dân số khoảng 1,3 triệu người.
Báo cáo tại Hội nghị, tư vấn đồ án – Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia (VIUP) cho biết: Việc điều chỉnh QHVT Bắc Ninh là rất cần thiết bởi sau 5 năm triển khai QHVT Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt năm 2013, Bắc Ninh đã phát triển kinh tế, dân số, lao động tăng cao hơn nhiều so với dự báo. Nhiều nhà đầu tư lớn đề xuất dự án mới có quy mô lớn, phát triển đô thị nhanh hơn so với quy hoạch được duyệt.
Hơn nữa, việc điều chỉnh QHVT Bắc Ninh còn nhằm cụ thể hóa đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Theo đó, Bắc Ninh cùng với Hà Nội và Vĩnh Phúc sẽ là các cực tam giác tăng trưởng, giữ vai trò hạt nhân của vùng Thủ đô.
Đồng thời, việc điều chỉnh QHVT Bắc Ninh còn là nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022. Đồ án Điều chỉnh QHVT Bắc Ninh sẽ cập nhật nội dung quy hoạch phù hợp với các tiêu chí xây dựng đô thị loại I trực thuộc Trung ương; đề xuất các giải pháp và lộ trình phát triển đô thị, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp…
Điều chỉnh QHVT Bắc Ninh sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh, lập điều chỉnh quy hoạch chung và định hướng cho điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ.
Hình thành 5 trục phát triển
Theo đồ án điều chỉnh QHVT Bắc Ninh, cấu trúc đô thị được định hướng là “Chùm đô thị hướng tâm, nhất thể hóa đô thị nông thôn”, gồm đô thị trung tâm Bắc Ninh, đô thị vệ tinh – xã Thuận Thành, cùng 2 vùng dân cư nông thôn là Gia Bình, Lương Tài.
Cấu trúc không gian được kết hợp giữ cấu trúc mạng hướng tâm và cấu trúc hành lang phát triển. QHVT Bắc Ninh sẽ hình thành 5 trục phát triển. Thứ nhất là trúc phát triển đô thị, dịch vụ dọc QL1, nối Từ Sơn – Tiên Sơn – Bắc Ninh, kết hợp với trục phát triển đô thị Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang.
Thứ hai là trục phát triển đô thị công nghiệp dọc QL18, nối Yên Phong – Bắc Ninh – Quế Võ, xây dựng các đô thị công nghiệp hoàn chỉnh, bổ sung cơ sở hạ tầng xây dựng, dịch vụ phục vụ phát triển công nghiệp.
Thứ ba là trục phát triển đô thị, dịch vụ dọc QL38, vành đai 04, TP Bắc Ninh, Thuận Thành. Thứ tư là trục phát triển đô thị, dịch vụ dọc hành lang sông Đuống. Thứ năm là trục phát triển đô thị, công nghiệp và nông nghiệp sinh thái công nghệ cao dọc QL17, nối Quế Võ – Gia Bình – Thuận Thành.
Khu vực Bắc sông Đuống là vùng nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương (đô thị trung tâm) với chức năng là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ. Trung tâm khu vực là TP Bắc Ninh.
Khu vực Nam sông Đuống là vùng ngoại thành của thành phố trực thuộc Trung ương, gồm huyện Thuận Thành với chức năng vùng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp; huyện Gia Bình với chức năng là vùng nông nghiệp – công nghiệp – dịch vụ; huyện Lương Tài với chức năng là vùng nông nghiệp – công nghiệp- dịch vụ. Trung tâm khu vực là huyện Thuận Thành.
Cũng theo quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống đô thị đến năm 2035 gồm 7 đô thị, trong đó đô thị trung tâm Bắc Ninh là đô thị loại I. 6 đô thị còn là gồm các khu vực Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong, Quế Võ, Gia Bình, Lương Tài.
Các khu chức năng cấp vùng tỉnh, gồm khu đào tạo nghiên cứu khoa học và công nghệ I (làng Đại học I), khu vực du lịch văn hóa và sinh thái núi Dạm tại TP Bắc Ninh; Làng Đại học II, Khu đô thị du lịch Phật tích tại huyện Tiên Du; Khu liên hiệp thể thao Bắc Ninh tại huyện Tiên Du và Quế Võ; Khu đô thị sinh thái, văn hóa nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí địa bàn huyện Tiên Sơn, thị xã Từ Sơn; Sân gofl quốc tế, khu tổ hợp đô thị, du lịch, văn hóa, vui chơi, giải trí tại huyện Thuận Thành.
Đặc biệt, Bắc Ninh phát triển vành đai xanh “Du lịch, văn hóa và sinh thái” sông Đuống, trong đó sông Đuống làm trung tâm. Cụm di tích Thuận Thành, Phật tích, Gia Bình làm hạt nhân với các chức năng vành đai xanh, cân bằng sinh thái, vùng cảnh quan, hành lang kết nối 2 khu vực Bắc và Nam sông Đuống.
Vành đai xanh “Du lịch, văn hóa và sinh thái” sông Đuống chính là “xương sống” của bộ khung bảo vệ thiên nhiên, vùng bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử, làng cổ, làng nghề truyền thống, vùng du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đồ án cũng đề cập các nội dung khác như hệ thống điểm dân cư nông thôn, các khu vực kiểm soát đặc biệt, hệ thống cơ sở sản xuất (gồm các khu công nghệ cao, Khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp, hệ thống thương mại, dịch vụ và du lịch, nông thôn), hệ thống hạ tầng xã hội; định hướng quy hoạch sử dụng đất đai, định hướng hạ tầng kỹ thuật và xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư…
Cần chú trọng phát triển Bắc Ninh thành đô thị thông minh
Tại Hội nghị, các thành viên hội đồng thẩm định đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện đồ án. Theo đó, đồ án được đơn vị tư vấn thực hiện công phu, bài bản, có nhiều số liệu, nội dung có tính khả thi cao. Tuy nhiên, đồ án cần phân tích ưu, nhược điểm hiện trạng hệ thống hạ tầng giao thông; rà soát chỉ tiêu đất giao thông đô thị; chú ý hệ thống chiếu sáng đô thị; xây dựng danh mục dự án ưu tiên đầu tư; bổ sung nội dung xây dựng nông thôn mới, cụm công nghiệp làng nghề.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của UBND tỉnh Bắc Ninh trong việc chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành đồ án để trình thẩm định. Đơn vị tư vấn đã nghiêm túc triển khai đồ án, tuân thủ đúng theo nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các quy hoạch vùng có liên quan đến Bắc Ninh.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh yêu cầu đơn vị tư vấn bổ sung đánh giá hiện trạng hạ tầng đô thị, giao thông, hiện trạng sử dụng tài nguyên đất, phát triển nông thôn mới; xác định lại định hướng phát triển không gian vùng, chú trọng phát triển Bắc Ninh thành đô thị thông minh, rà soát các dự báo về đô thị hóa, tăng dân số đảm bảo có cơ sở và bám sát thực tế hơn.
Sau cùng, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo tư vấn tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng, sớm hoàn thiện báo cáo thuyết minh đồ án gửi lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.