Sáng 26/11, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đã tổ chức toạ đàm với chủ đề "Bắc Ninh trên đường công nghiệp hóa". Trong khuôn khổ toạ đàm, các chuyên gia nhận định, trong suốt 30 năm kể từ khi mở cửa kinh tế, số lượng các doanh nghiệp FDi đầu tư vào Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Song, những tác động lan toả của khu vực này đến doanh nghiệp nội địa chưa tương xứng.
Theo đó, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra 3 yếu tố quyết định tới việc thu hút dòng vốn FDI của các địa phương trên cả nước nói chung, cũng như ở Bắc Ninh nói riêng.
Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường. Theo ông Thắng, Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, tiêu chí bảo vệ môi trường đã được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nghiên cứu thời gian qua cho thấy vấn đề môi trường vẫn còn đang nhức nhối.
"Năm 2020, riêng Bắc Ninh phát hiện 550 vụ vi phạm môi trường và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, không phải riêng Bắc Ninh chưa tốt mà thực trạng này là của tất cả địa phương", ông Thắng cho hay.
Tiếp theo là chuyển giao công nghệ tiên tiến. Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, năng lực công nghệ của doanh nghiệp nội địa cần phải được nâng cao, chứ không thể để công nghệ cao cứ nằm mãi ở doanh nghiệp FDI mà không chuyển giao được.
Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cuối cùng. Ông Thắng nhận định, nhân lực của Việt Nam hiện nay rất yếu. Theo thống kê, hiện có khoảng 4,7 triệu lao động làm việc trực tiếp trong khu FDI, trong đó 980.000 là chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, điều tra cho thấy 80% trong số đó chưa có chứng chỉ bằng cấp về đào tạo.
"Các doanh nghiệp FDI khi được hỏi có đến 60% cho rằng rất khó tìm nguồn lao động chất lượng cao. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam, theo điều tra của VCCI, 50% doanh nghiệp cũng cho rằng khó tìm nhân lực chất lượng cao. Đây là thất bại của chúng ta, của chung cả nước không riêng Bắc Ninh, về nguồn nhân lực", ông Thắng nói.
Ông chia sẻ, khi Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) muốn mở rộng cơ sở 2 sản xuất máy tính bảng tại Bắc Ninh, họ không tìm ra nguồn nhân lực. Lúc đó, hơn 300.000 lao động trong các khu công nghiệp thì tỉnh Bắc Ninh chỉ cung cấp được khoảng 25%, còn lại là từ các tỉnh khác.Cho nên, Foxconn đã buộc phải chuyển sang Mỹ.
"Đây là những điều rất đáng tiếc do chất lượng nguồn lực lao động”, ông Thắng dẫn chứng.
Trước tình hình đó, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khuyến nghị, Việt Nam cần thực hiện thật tốt những chính sách đã có, cụ thể là phát triển kinh tế tư nhân và công nghiệp hỗ trợ, thay vì đòi hỏi việc thay đổi.
"Với thực trạng nguồn nhân lực như vậy, cần thực hiện các giải pháp phù hợp với điều kiện của mình. Cơ hội rất nhiều, nhưng cần phổ biến lại cho cộng đồng doanh nghiệp và địa phương để tiếp nhận tất cả các hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư… làm sao để họ thấy rõ được cơ hội và trách nhiệm của mình”, ông Thắng khuyến nghị.