Từng được tin tưởng là "gà đẻ trứng vàng" cho Thế giới Di động, Bách Hóa Xanh dưới nhận định của các CTCK sẽ hỗ trợ đà tăng của cổ phiếu MWG kể từ năm 2018. Mức giá được những đơn vị này đưa ra trung bình đạt 168.000-170.000 đồng/cp, thậm chí trong báo cáo phân tích tháng 4 năm ngoái, Chứng khoán MB (MBS) còn đề xuất mức giá mục tiêu lên đến 223.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đến nay thì những mức giá này có còn phù hợp, khi niềm tin vào chuỗi Bách Hóa Xanh một lần nữa lung lay?
Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích quý 1 vừa qua, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) – thừa nhận: Chiến lược đưa Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư là việc hơi vội vàng.
"Trước đây, với Thế giới Di động, khi mở các shop đầu tiên chọn những vị trí rất retail, đến khi thương hiệu đủ mạnh mới thọc sâu vào những huyện, xã nhỏ. Khi đến đó không cần phải nói "Tôi là ai", bởi người ta đã biết rồi, mình đến nơi thì người ta đến thôi. Còn bây giờ Bách Hóa Xanh thọc sâu vào các khu dân cư hơi sớm. Đó là chủ đích vội vàng khi thương hiệu chưa đủ mạnh mà bạn phủ quá sớm", ông Tài nói.
Được biết, với chiến lược thọc sâu vào các khu dân cư, doanh thu của Bách Hóa Xanh không đạt mức kỳ vọng là 1 tỷ đồng/tháng. Kết thúc quý 1/2018, Bách Hóa Xanh ghi nhận lỗ EBITDA (thu nhập trước lãi vay và khấu hao) ở mức 60 tỷ đồng, phải đóng cửa 3 cửa hàng, ngưng kế hoạch triển khai 7 cửa hàng. Chiến lược mở rộng cũng đã giảm từ 1.000 cửa hàng xuống chỉ còn 500 đơn vị. Cổ phiếu MWG có vẻ cũng phản ứng nhanh chóng sau thông tin trên, phiên 8/5 giảm 2,4 điểm về mức giá 105.600 đồng/cp, mặc cho những phiên trước tích lũy và hồi phục nhẹ. Đến hôm nay, MWG vẫn lình xình quanh mốc này, liệu rằng có lý do gì để cổ phiếu tăng trở lại hay sẽ giảm sâu hơn nữa?
Biến động giá cổ phiếu MWG trong 1 năm
Trên thị trường, trong 6 tháng trở lại đây cổ phiếu MWG đã giảm hơn 30% thị giá từ đỉnh lịch sử 135.500 đồng/cp. Không phủ nhận niềm tin Bách Hóa Xanh lung lay, ông Tài mới đây đã chính thức thừa nhận lo lắng của thị trường xuất phát từ tình hình Bách Hóa Xanh và điều đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu. "Tôi cảm nhận được biến động của giá cổ phiếu đến từ lo lắng cho một business mới chưa rõ ràng. Giai đoạn này sẽ còn tồn tại một thời gian nữa", ông Tài từng phân trần.
Điểm lại các mức giá theo nhận định CTCK
Lên tiếng cho điều này, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng vừa đưa ra nhận định với lời cảnh báo: "Giai đoạn "thử và sai" vẫn đang tiếp tục, và NĐT vẫn cần tiếp tục theo sát diễn biến và đo lường hiệu quả của chuỗi BHX để xác định thời điểm chuỗi này bắt đầu chuyển mình". Tuy nhiên, Rồng Việt cũng đánh giá việc giảm tốc độ mở cửa hàng để tập trung vào tối ưu hóa các cửa hàng hiện hữu là bước đi hợp lý của Thế giới Di động, và việc nhận thức được sai lầm và có động thái sửa chữa kịp thời luôn là ưu điểm của "ông lớn" điện máy này mà Rồng Việt vẫn luôn đánh giá rất cao.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng vừa giảm giá mục tiêu 3% về mức 168.700 đồng/cp, song song việc giảm dự báo số cửa hàng Bách Hóa Xanh, khi ban lãnh đạo chuyển hướng sang ưu tiên chất lượng cửa hàng (doanh thu/cửa hàng) thay vì số lượng đơn thuần. Tuy nhiên, VCSC vẫn giữ nguyên khuyến nghị mua vào MWG với tổng mức sinh lời 67%, được biết mức giá này đã được điều chỉnh giảm gần đây so với mức ban đầu tại 172.900 đồng/cp.
Cũng đưa ra giá mục tiêu 168.000 đồng/cp, Chứng khoán HSC trong báo cáo mới nhất về MWG (vào tháng 3/2018) với P/E dự phóng năm 2018 là 23 lần. Theo HSC, MWG đã chứng minh được tính khả thi trong hoạt động hậu cần cho chuỗi Bách Hóa Xanh trong năm nay, và kỳ vọng sẽ được nhân rộng mạnh, góp phần vào tăng trưởng doanh thu chung. Tuy nhiên, HSC cho rằng phải đến 2019 chuỗi này mới đóng góp đáng kể lợi nhuận.
"Cuối cùng MWG sẽ xây dựng thành công chuỗi Bách Hóa Xanh và nhân rộng trên cả nước mặc dù quá trình mở rộng từ Tp.HCM ra cả nước sẽ gặp phải những thách thức lớn ở hoạt động hậu cần", HSC khẳng định. Đến nay, trước thông tin Bách Hóa Xanh thay đổi chiến lược phát triển cửa hàng, HSC vẫn chưa có báo cáo cập nhật lại đơn vị này.
Ngược lại, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) có vẻ ít lạc quan hơn khi đưa ra ý kiến trung lập về MWG, giá mục tiêu cũng chỉ dừng lại tại mức 122.000 đồng/cp. Chưa kể, mức giá này được PHS đưa ra vào quý 4 năm ngoái, khi giá MWG còn ở đỉnh.