Ông Trump đã giành được chức tổng thống bốn năm trước nhờ những chiến thắng sát sao ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Kết quả của cuộc bầu cử năm nay có thể cũng sẽ được quyết định ở những nơi này.
Tuy nhiên, những rắc rối ở miền Trung Tây, sau nhiều thập kỷ suy thoái công nghiệp, cũng rất lớn. Detroit, mặc dù đã có những cải tiến gần đây, nhưng thật đáng buồn vẫn có thể được coi là biểu tượng cho việc các thành phố khó phục hồi như thế nào. Số dân đã bị thu hẹp chỉ còn một phần ba so với thời kỳ đỉnh cao 1,8 triệu người vào những năm 1950. Vậy khu vực Trung Tây có thể làm gì để quay lại sự thịnh vượng vốn có, và phần còn lại của thế giới có thể học được gì từ vùng đất này?
Nhìn chung, khu vực Trung Tây thu hút được quá ít người di cư, và có quá nhiều người nhất quyết rời đi. Cho đến khi điều đó được thay đổi, sự thịnh vượng sẽ chỉ có thể xuất hiện ở một số khu vực đô thị chứ không phải ở toàn khu vực. Không phải tất cả đều có thể thoát khỏi khó khăn. Đôi khi, những người bên ngoài, ví dụ như chính phủ liên bang, có lẽ sẽ phải cố gắng giúp mọi người sống, làm việc và học tập dễ dàng hơn, ví dụ như bằng cách cắt giảm chi phí nhà ở cho những người chuyển đi hoặc hỗ trợ học phí và tạo môi trường giáo dục tốt hơn. Nhưng ngay cả Flint, Michigan - những nơi gây ra không ít tai tiếng bởi sự suy giảm kinh tế và nguồn nước ô nhiễm, vẫn có các nhà máy công nghiệp và một trường đại học tầm cỡ.
Tuy nhiên nhiều nơi chứng kiến sự lạc quan lớn hơn. Một số thành phố thực sự có thể học hỏi để phát triển trở lại. Một phần của miền Trung Tây, đặc biệt là ở vùng ngoại ô xung quanh Chicago, Minneapolis và Madison, đang diễn ra một kỷ lục đáng ngưỡng mộ về mức độ di động xã hội. Những người sinh ra trong nghèo khó có nhiều cơ hội tiến tới cuộc sống của tầng lớp trung lưu hơn so với những người sống ở các khu vực ít di động, ví như miền nam. Điều đó chắc chắn có liên quan nhiều đến đầu tư vào giáo dục. Một thành phố sẽ có khả năng đối phó tốt nhất với việc đóng cửa các nhà máy hoặc các cú sốc khác như suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra khi phần lớn dân cư là những người có học thức.
Thống kê GDP năm 2019 tại một số vùng kinh tế lớn (Nguồn: The Economist)
Có một số tấm gương tiêu biểu cho vấn đề này. Đó là dân cư của Columbus, Ohio, là một trong những vùng phát triển nhanh nhất ở Mỹ. Indiana cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển mà vẫn đảm bảo có thể giữ cho nền tài chính của thành phố khỏe mạnh. Và mặc dù phần lớn miền Trung Tây vẫn tồn tại tình trạng phân biệt chủng tộc nặng nề - minh chứng là ở Minneapolis, nơi một viên cảnh sát viên đã giết George Floyd vào tháng Năm; hay như Cincinnati, nơi cải cách chế độ cảnh sát và thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ gốc Phi, cho thấy sự tiến bộ hoàn toàn có thể xảy ra. Đó là điều cần thiết để cắt giảm phân biệt chủng tộc và thúc đẩy nền kinh tế đi đôi với nhau.
Mỗi nơi đều có câu chuyện riêng, nhưng bài học ở vùng Trung Tây đem lại giá trị lớn cho các đô thị trong việc tìm ra con đường phát triển thời kỳ hậu công nghiệp ở cả Châu Âu lẫn Châu Á. Một là sự phục hồi có xu hướng phát triển từ trong ra ngoài. Trung tâm thị trấn nên là một nơi hấp dẫn để sống, làm việc và vui chơi với những con đường đã được cải tạo, rất nhiều công viên, nhà hàng và cuộc sống về đêm thu hút những sinh viên trẻ tốt nghiệp, những người mới nghỉ hưu và cả số khác nữa. Nhìn chung, dân số Chicago có thể không gia tăng nhưng trung tâm thành phố là một ví dụ về cách mở rộng: dân số khoảng 110.000 người, lớn hơn gấp sáu lần so với bốn thập kỷ trước. Mọi người đến những nơi như vậy bởi vì đô thị đã trở nên sống động, vui tươi hơn trước đây, và vì nhìn chung sống ở đây vẫn ít tốn kém hơn so với các khu đô thị ven biển.
Các thành phố cũng làm tốt khi họ khai thác tài nguyên của chính họ, hoặc vốn xã hội địa phương thay vì hi vọng sự giúp đỡ của liên bang hoặc một nhà đầu tư lớn nào đó. Pittsburgh đã phục hồi sau khi các nhà máy thép của họ đóng cửa bằng cách mua đất từ các nhà máy bị phá sản, sau đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mới về công nghệ cao phát triển mạnh ở đó. Tại Grand Rapids, các nhà hảo tâm, công ty và quan chức có trụ sở tại Michigan đã thuyết phục các nhà sản xuất địa phương ở lại và sau đó thu hút những đối tác khác, ví dụ đến từ Đức.
Một bài học khác là những nơi thành công nhất thường là những nơi chi tiêu mạnh nhất vào giáo dục và y tế. Các thành phố với một trường đại học hàng đầu hoặc một hệ thống bệnh viện mở rộng (hoặc sở hữu cả hai) đáng tin cậy hơn so với những nơi khác. Rất nhiều nơi ở miền Trung Tây như vậy. Pittsburgh đã làm rất tốt trong việc hợp tác với Đại học Carnegie-Mellon trong việc thúc đẩy các công ty mới về công nghệ, trí tuệ nhân tạo và robot phát triển. Nhiều người gọi đây là thành phố Roboburgh.
Chicago lên một kế hoạch đầy tham vọng nhằm khuyến khích các trường đại học và doanh nhân công nghệ hợp tác với nhau theo cách tương tự. Minneapolis và một số thành phố khác đã hợp tác thành công với các công ty chăm sóc sức khỏe lớn. Tuy lợi ích vẫn còn chưa rõ ràng từ phía các trường đại học, nhưng những thành phố phát triển nhất hiện đều đang chú trọng vào cư dân địa phương.
Cuối cùng, có một xu hướng rằng những thành phố sở hữu những cư dân tài năng nhất thường là những nơi phát triển lâu dài. Rahm Emanuel, cựu thị trưởng thành phố Chicago, tự hào rằng thành phố của mình đào tạo hoặc thu hút 140.000 sinh viên mới tốt nghiệp mỗi năm. Đó là một lý do lớn tại sao nhiều công ty chọn đặt trụ sở của họ ở đó. Columbus và các công ty phát triển ở đây cũng cố gắng để giữ chân các sinh viên sáng giá vừa tốt nghiệp hoặc đang học để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành phi học thuật. Điều đó khiến thành phố hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Cuối cùng, đầu tư vào con người, chính là sức mạnh lớn nhất của miền Trung Tây và nó cũng là một công thức chung cho sự phát triển ở những nơi khác.
Theo The Economist