Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã đưa vào khai thác hơn 25.000 km đường sắt cao tốc (HSR), nhiều hơn tổng chiều dài đường sắt cao tốc của các nước khác trên thế giới. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới với GDP trên đầu người thấp hơn 7.000 USD đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc.
Vậy quốc gia này đã áp dụng phương pháp quy hoạch, mô hình kinh doanh và xây dựng nào để có được tốc độ phát triển HSR nhanh như vậy? Trong kỷ nguyên mà ngành đường sắt đối mặt với tình trạng lượng hành khách suy giảm, phương pháp tính phí và dịch vụ như thế nào đã giúp đường sắt cao tốc Trung Quốc trở nên hấp dẫn với số đông hành khách, đồng thời đảm bảo được tình hình tài chính, kinh tế?
Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi như thế này.
"Trung Quốc đã xây dựng được mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. Ảnh hưởng của mạng lưới này vượt ra ngoài ngành đường sắt, thay đổi phương thức phát triển đô thị, thúc đẩy hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế địa phương. Một lượng lớn người dân Trung Quốc giờ đây đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết và mạng lưới này cũng là nền tảng cho việc giảm khí thải nhà kính trong tương lai", Martin Raiser, Giám đốc Quốc gia của WB tại Trung Quốc, cho biết.
Chiều dài đường sắt cao tốc tại Trung Quốc với 3 loại tốc độ: 200 km/h, 250 km/h và 350 km/h từ năm 2008 đến 2017.
Theo nghiên cứu của WB, nhân tố quan trọng trong thành công của Trung Quốc là xây dựng kế hoạch toàn diện trong dài hạn, đưa ra khuôn khổ rõ ràng và nhất quán cho việc phát triển mạng lưới đường sắt cao tốc. Kế hoạch Đường sắt Trung và Dài hạn (MLTRP) của Trung Quốc có tầm nhìn 15 năm và được bổ sung bởi một loạt kế hoạch 5 năm.
Tại Trung Quốc, dịch vụ đường sắt cao tốc có khả năng cạnh tranh với giao thông đường bộ và hàng không cho các quãng đường lên tới 1.200 km. Giá vé đường sắt cao tốc cạnh tranh với xe bus, máy bay và chỉ bằng khoảng 1/4 so với giá vé tại các quốc gia khác. Điều này giúp đường sắt cao tốc thu hút được khoảng 1,7 tỷ hành khách mỗi năm từ mọi tầng lớp thu nhập. Các quốc gia với dân số nhỏ hơn muốn phát triển đường sắt cao tốc cần phải lựa chọn lộ trình cẩn thận, đồng thời cân đối lợi ích về kinh tế, xã hội của việc tăng cường kết nối với những vấn đề về khả năng tài chính.
Nhân tố quan trọng giúp giảm chi phí xây dựng đường sắt cao tốc là tiêu chuẩn hóa thiết kế và quy trình xây dựng. Chi phí xây dựng đường sắt cao tốc của Trung Quốc trung bình khoảng 17 - 21 triệu USD/km, chỉ bằng 2/3 so với chi phí tại các quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bắt tay vào chuẩn bị năng lực về kỹ thuật trước khi bắt đầu xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc. Nước này nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ đường sắt cao tốc có sẵn trên thế giới, đồng thời cải thiện và thay đổi cho phù hợp với thực tế trong nước theo từng thời kỳ. Trung Quốc đầu tư mạnh vào đầo tạo kỹ thuật và xây dựng một "hệ sinh thái" các học viện, trường đại học, nhà thầu có năng lực và đội ngũ nhân viên đường sắt có kỹ năng để thực hiện kế hoạch này.
Nghiên cứu của WB cũng tập trung vào các lợi ích kinh tế của dịch vụ đường sắt cao tốc ở Trung Quốc. Tính đến năm 2015, tỷ suất lợi nhuận của mạng lưới đường sắt cao tốc tại Trung Quốc ước tính đạt 8%, cao hơn so với chi phí cơ hội vốn tại nước này và hầu hết các quốc gia khác về đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn. Lợi ích bao gồm rút ngắn thời gian di chuyển, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của lực lượng lao động và thúc đẩy du lịch.
Mạng lưới đường sắt cao tốc cũng giúp giảm chi phí vận hành, tai nạn, tắc nghẽn giao thông và khí thải nhà kính khi nhiều người chuyển từ đường bộ và hàng không sang sử dụng đường sắt.
Trên đây là kết quả của nghiên cứu đầu tiên trong loạt 5 nghiên cứu về giao thông tại Trung Quốc - đường sắt cao tốc, đường cao tốc, giao thông đô thị, cảng biển và đường thủy nội địa - được thực hiện bởi chương trình TransFORM, do WB và Bộ Giao thông Trung Quốc phát triển, nhằm chia sẻ kinh nghiệm giao thông của Trung Quốc và quốc tế.