Ngày 24/10/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu được trông đợi về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc tại Trung tâm Wilson.
Sau một năm dồn dập các sự kiện, cả về song phương, khu vực, nội tình trong và ngoài nước Mỹ, Phó Tổng thống Pence đã có một phát biểu với thông điệp nhiều chiều. Trong khi tiếp tục phê phán Trung Quốc vi phạm trên các lĩnh vực, điểm lại tình hình một năm qua và tái khẳng định nước Mỹ kiên định Chiến lược An ninh Quốc gia và chiến lược về Trung Quốc của Tổng thống Trump, Phó Tổng thống Pence khẳng định thông điệp với Trung Quốc: Đã lùi xa giấc mơ soán ngôi Mỹ.
Tái khẳng định chính sách của Trump đối với Trung Quốc
Trong bài phát biểu của mình hôm 24/10, Phó Tổng thống Pence đầu tiên nhấn mạnh thông điệp bao trùm bằng việc tái khẳng định chiến lược của Tổng thống Trump về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, đồng thời cập nhật bao quát những diễn biến đã xảy ra trong năm qua liên quan đến hai nước.
Theo đó, ông Pence khẳng định: Trước hết, nước Mỹ không chấp nhận một Trung Quốc đã và tiếp tục trục lợi và lạm dụng, có những hành vi không công bằng (unfair), gây phương hại cho lợi ích của Mỹ. Nhắc lại Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017, ngay từ đầu bài phát biểu, Phó Tổng thống Mỹ tái khẳng định: "Giờ đây nước Mỹ thừa nhận coi Trung Quốc là một đối thủ chiến lược".
Thứ hai, Tổng thống Trump khác với những người tiền nhiệm, đó là không chấp nhận im lặng để Trung Quốc trục lợi, mà sẵn sàng đối diện thẳng thắn với những sai phạm của Trung Quốc - Chính sách của Mỹ giờ đây đã thay đổi và khác trước.
Thứ ba, đây là chính sách lâu dài dựa trên lợi ích và giá trị của nước Mỹ.
Thứ tư, Trung Quốc muốn quan hệ tốt với Mỹ, phải dựa trên nguyên tắc: công bằng, bình đẳng, có đi có lại.
Đó chính là thông điệp bao trùm: Trung Quốc là đối thủ chiến lược và Trung Quốc đang phải đứng trước một nước Mỹ rất khác, một nước Mỹ sẵn sàng đối diện và hành động trước những hành vi gian lận, lạm dụng của Trung Quốc, nếu Trung Quốc không thay đổi. Trong năm qua, các chính sách của Tổng thống Trump đã chứng tỏ hiệu quả và phát huy tác dụng, theo đó: Đã lùi xa giấc mơ Trung Quốc soán ngôi Mỹ.
Điểm lớn thứ hai, nhìn lại một năm qua, Phó Tổng thống Pence nhận định rất thẳng thắn: Trung Quốc đã không hề có bất kỳ một bước tiến hay động thái nào đáng kể trong cải thiện quan hệ kinh tế-thương mại giữa 2 nước trong năm qua; trong khi, về nhiều vấn đề khác mà Mỹ quan tâm, thì Trung Quốc lại hành xử mang tính quyết đoán và gây bất ổn nhiều hơn, từ gian lận thương mại, đến việc tạo bẫy nợ, gây sức ép với các nước, quân sự hoá, gây phương hại đến an ninh hàng hải cũng như quyền thăm dò dầu khí của các nước trên vùng biển của mình. So với bài năm ngoái, Phó Tổng thống Pence nêu đậm và thêm những điểm mới sau:
Về kinh tế thương mại: Trong khi chưa khắc phục các hành vi lạm dụng và bất công bằng, về thương mại hay công nghệ, lật lại thỏa thuận đã đạt tháng 5 buộc đàm phán 2 bên trở về vạch xuất phát, Trung Quốc còn gia tăng ép buộc các công ty Mỹ, vì lợi ích kinh tế, chấp nhận hoặc làm ngơ trước các quan điểm chính trị của Trung Quốc trái với các giá trị của Mỹ hay buộc họ phải chuyển giao kỹ thuật vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Lần đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích mạnh và đích danh hai công ty Mỹ là Nike và NBA, trước lợi ích và sức ép của Trung Quốc mà xâm phạm quyền tự do bày tỏ ý kiến liên quan đến biểu tình ở Hồng Kông: "NBA hành động như một công ty con thuộc sở hữu toàn phần" của Trung Quốc. Phó Tổng thống Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc gây áp lực với các hãng phim, học giả, giáo viên, sinh viên Đại học để chấp nhận quan điểm chính trị của Trung Quốc, và qua đó tác động, can thiệp vào nội trị của Mỹ.
Về tình hình Trung Quốc, lần đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ nêu rất đậm về một loạt những vấn đề nội trị của Trung Quốc: từ vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, dân thiểu số (Tân Cương, Hồi giáo, Duy Ngô Nhĩ), xây dựng Nhà nước kiểm soát người dân thông qua công nghệ theo dõi và nhận diện. Một mặt tái khẳng định chính sách về Đài Loan, phát biểu lần đầu nêu mạnh về Hồng Kông, khẳng định "được truyền cảm hứng" và "đứng về phía người biểu tình" khi họ thực hiện biểu tình một cách hoà bình, gắn vấn đề Hồng Kông với đàm phán thương mại. Có thể nói đây là một phát biểu mạnh nhất không chỉ thời Trump mà cả số với các chính quyền trước đây, liên quan cả những vấn đề nội trị, chính sách Một Trung Quốc, hay một nước hai chế độ của Trung Quốc.
Trên thực tế, Trump cũng là Tổng thống đầu tiên ra sắc lệnh về Hồng Kông, với những biện pháp trừng phạt đối với cả các quan chức, tổ chức của Trung Quốc bị cáo buộc chịu trách nhiệm về việc "làm suy yếu tự do cơ bản tại Hồng Kông".
Về sáng kiến Vành đai - Con đường: Phó Tổng thống Pence khẳng định rõ, nó không chỉ thuần túy về mục đích thương mại, mà qua đó, Trung Quốc tìm cách đặt chân về chính trị và căn cứ quân sự. Thực tế là Trung Quốc đã treo cờ của mình ở các hải cảng từ Sri Lanka đến Pakistan đến Hy Lạp, có tin cho biết hệ thống căn cứ quân sự của Trung Quốc trải từ Mỹ Latinh qua Bắc Phi đến Nam Á - và điều này là mối đe dọa lớn với nước Mỹ hơn chứ không chỉ còn là vấn đề thương mại.
Điểm lớn thứ ba là về khu vực châu Á, nhất là về an ninh hàng hải và vấn đề Biển Đông, được đề cập mạnh, đậm nét và cập nhật những hành vi sai phạm trên biển vừa qua của Trung Quốc.
Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích Trung Quốc trong năm qua gia tăng các hành động quân sự hóa, gây sức ép với các nước láng giềng; Trung Quốc đã phản lại lời hứa không tôn tạo nhưng thực tế đã vừa cả tôn tạo, vừa quân sự hóa, đưa tên lửa biến các đảo ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự.
Đặc biệt, Phó Tổng thống Mỹ chỉ trích việc Trung Quốc sử dụng lực lượngcảnh sát biển để đe dọa và ngăn cản Việt Nam khoan thăm dò trên chính vùng biển của Việt Nam (Vietnam’s own shore). Đồng thời, phê phán Trung Quốc sử dụng cái gọi là lực lượng dân quân để đe dọa các nước có tranh chấp chủ quyền, trong đó có Malaysia, Philippines. Đây là lần đầu tiên ở cấp Phó Tổng thống, phía Mỹ đã nêu đậm quyền của Việt Nam về khai thác tài nguyên trong vùng biển của mình (vừa qua, về Tư Chính, Mỹ có nhiều tuyên bố ở cấp Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng), cũng như chỉ trích Trung Quốc dùng chiến lược "vùng xám" để lấn ép các nước khu vực.
Về con đường phía trước: Chiều hướng quan hệ ra sao, lựa chọn sẽ tuỳ thuộc vào vào chính Trung Quốc
Đây chính là điểm lớn thứ ba của bài phát biểu: Mỹ sẵn sàng mở cánh cửa quan hệ nếu Trung Quốc thay đổi, còn không, Mỹ sẽ tiếp tục kiên định chiến lược của mình.
Nước Mỹ coi trọng các giá trị dân chủ, tự do, kinh tế thị trường, chính sách của Mỹ tiếp tục dựa trên các giá trị Mỹ và lợi ích Mỹ, để từ đó, tái cấu trúc một cách căn bản quan hệ Mỹ - Trung Quốc dựa trên môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau.
Để đạt quan hệ kiinh tế-thương mại công bằng, bình đẳng, chính quyền Trump đã áp đặt các loại thuế, chính là để Trung Quốc phải thay đổi các hành vi vi phạm.
Phó Tổng thống Mỹ khẳng định, năm qua đã cho thấy chính sách Trung Quốc của Trump là đúng và đã phát huy tác dụng. Nước Mỹ phát triển gia tăng, trong khi Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn và khoảng cách về kinh tế lùi xa hơn so với Mỹ. Khác với thời điểm đầu nhiệm kỳ, người ta dường như cho rằng Trung Quốc đã ngấp nghé soán ngôi số 1 của Mỹ về kinh tế, thậm chí chỉ còn tính bằng vài ba năm, thì nay viễn cảnh đó đã càng xa rời.
Nhưng cũng trong năm qua, chính Tổng thống Trump đã vẫn luôn để ngỏ cánh cửa, bằng câu nói "Trung Quốc cần một thỏa thuận" và Mỹ trông đợi sẽ đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Để kết luận, Phó Tổng thống Pence nhấn mạnh: Nước Mỹ sẽ không lùi bước - nhưng cũng không nhằm kiềm chế, đối đầu hay ‘chia tay’ Trung Quốc - Nước Mỹ muốn quan hệ xây dựng với Trung Quốc, nhưng đó phải là dựa trên nguyên tắc công bằng, tôn trọng lẫn nhau và có đi có lại.
Dù khác biệt, cạnh tranh nhau và Mỹ mạnh, nhưng Mỹ vẫn sẽ tranh thủ hợp tác với Trung Quốc, trong đó có các vấn đề như Triều Tiên, Vùng Vịnh.
Cánh cửa quan hệ mở rộng và lựa chọn là do Trung Quốc, Trung Quốc sẽ có lợi khi từ bỏ các hành vi gian lận, lạm dụng, thiếu công bằng của mình, khi đó Trung Quốc sẽ lại được hưởng lợi như trước đây, thời Đặng Tiểu Bình coi trọng cải cách và mở cửa trước đây.
Bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence không chỉ nhìn lại và quan hệ Mỹ - Trung Quốc một năm qua và tái khẳng định chính sách đã có, mà còn cập nhật quan điểm về hầu hết các vấn đề có liên quan và định hướng quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Có thể thấy, chính sách chung của chính quyền Trump là tiếp tục chính sách cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, để buộc Trung Quốc phải điều chỉnh. Cuộc chiến thương mại là tuyến đầu, song Trump vẫn nắm quyền chủ động giữ nhịp cuộc đấu, có thể mở rộng sang các lĩnh vực khác, tuỳ từng thời điểm. Tuy nhiên, hai bên kể cả Mỹ, cạnh tranh, dù gay gắt nhưng là để giành ưu thế, không nhằm triệt tiêu nhau. Do vậy, cuộc đấu sẽ còn kéo dài, có lúc căng, nhưng hai bên từng lúc cũng tìm cách đạt các thoả thuận nhỏ.
Về tính thời điểm, bài phát biểu diễn ra ngay trước khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc sang Mỹ để tiếp tục đàm phán cũng tác động để tạo sức ép với Trung Quốc đi vào thỏa thuận.
Tuy Trung Quốc muốn làm dịu cuộc đấu để tập trung phát triển, nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận mọi thứ Mỹ muốn. Như vậy, quan hệ hai bên sẽ còn nhiều phức tạp và sẽ còn cả các diễn biến kịch tính, kể cả trong quá trình trước mắt, chuẩn bị và tiến tới cuộc gặp cấp cao bên lề APEC vào tháng 11 (nay đã bị hoãn lại).
Rõ ràng, xu hướng chung hai bên sẽ vẫn là cạnh tranh chiến lược, với nhiều bất ổn và rủi ro, giữa hai cường quốc số một và số hai thế giới, nhất là trong bối cảnh hai bên đều đứng trước nhiều áp lực và vấn đề nội bộ. Thế giới và khu vực sẽ tiếp tục chịu những tác động phức tạp của mối quan hệ quan trọng nhất này.