Đặc biệt 22 tỉnh thành đang giãn cách xã hội cũng là những tỉnh, thành có nguồn thu chiếm tới 64% tổng thu ngân sách nhà nước (TP.HCM, Hà Nội, Long An, Bình Dương,…)
Ông Cao Anh Tuấn cho biết thêm: “Thu thuế nửa cuối năm vẫn đạt khá, nhưng chủ yếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế nửa cuối năm ngoái. Trong đó, chủ yếu nhờ tăng thu đột biến từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô. Diễn biến thu ngân sách đã có dấu hiệu giảm dần từ cuối tháng 4 tới nay”.
Do đó, theo Tổng cục Thuế, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao, cơ quan thuế cần tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN. Tiếp tục rà soát, nâng cao năng lực quản lý thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, nộp thuế.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN và người dân theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 về giảm 30% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay,... Tổng kết, đánh giá hiệu quả của các giải pháp hỗ trợ để báo cáo Chính phủ, Quốc hội có căn cứ nghiên cứu, ban hành thêm các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.
Thứ ba, tổ chức dự báo sát tình hình phát triển nền kinh tế và khả năng thu NSNN năm 2021 trên cả nước và từng địa bàn để báo cáo Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ tiếp tục ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế cho DN nhanh chóng khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu NS, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu.
Qua đó, xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp quản lý thu hiệu quả, kiến nghị với UBND chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương cùng phối hợp với cơ quan thuế để tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu NS.
Thứ tư, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Đăng tải, công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.
Thứ năm, thực hiện kiểm tra công tác kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn gian lận thuế. Tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế ngay từ đầu năm, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính để sản xuất, kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.
Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế. Trên cơ sở đó tiếp tục có biện pháp yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh và thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo quy định (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài lớn như Facebook, Google, Youtube, Netflix...)
Thứ bảy, tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý thu nợ thuế tại cơ quan thuế các cấp. Trong đó, yêu cầu cơ quan quản lý thu nợ thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đến từng phòng quản lý, lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế, công chức quản lý nợ thuế.
Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, việc cố gắng thực hiện dự toán thu cân đối NSNN đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng năm 2021 cần có sự nỗ lực không ngừng của chính phủ, cơ quan thuế cùng toàn thể các bộ, ban ngành.