Ồ ạt chuyển sang đất thổ cư
UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã (TX) Đồng Xoài đến năm 2025 với diện tích 6.137ha. Cơn lốc đô thị hóa đã làm cho diện mạo Đồng Xoài thêm khởi sắc với hàng chục công trình, dự án (DA) được triển khai. Khi các DA bất động sản được khởi động, các cá nhân đã lợi dụng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhảy vào phân lô bán nền. Tính đến tháng 8-2017, TX Đồng Xoài đã chuyển 262.507m2 đất nông nghiệp sang đất thổ cư cho 1.455 trường hợp. Nhiều hộ chuyển để tách thửa với diện tích từ 1.000 - 4.900m2 nhưng lại được thẩm định làm nhà ở.
Từ quốc lộ 14 rẽ vào gần 400m (lối vào Trường Cao đẳng Y tế) là DA Khu dân cư Tiến Thành với diện tích khoảng 5ha, mỗi nền đất có giá trung bình 400 - 500 triệu đồng do Công ty Phương Đông làm chủ đầu tư. Giữa lúc giá đất tăng chóng mặt nhưng người sở hữu các lô đất vẫn kém vui vì các hạng mục hạ tầng giao thông xuống cấp trầm trọng, không hệ thống thoát nước… Tại các nền đất chưa có công trình xây dựng, cỏ mọc um tùm, nhà xây tự phát không có bản vẽ quy hoạch. “Khu dân cư trông giống khu ổ chuột trong lòng đô thị. Sau khi chủ đầu tư rút đi, cò đất tung hoành thổi giá”, chị N.T.L (40 tuổi) sống trong một khu dân cư ở Đồng Xoài, ngao ngán nói.
Từ đường ĐT 741 hướng Đồng Xoài - Phước Long, rẽ vào con hẻm hơn 1km, những tờ rơi bán đất la liệt với đủ mức giá. Khu vực KP 4, phường Tân Đồng đa phần là đất nông nghiệp nên vắng bóng dân cư. Dù không thuộc quy hoạch nhà ở nhưng có những lô đất rộng chừng 4ha được phân thành 60 lô để bán nền. Tương tự, tại nhiều khu vực gần Nghĩa trang Tiến Hưng, mặt đường ĐT 741 đang giải tỏa để làm công viên cây xanh nhưng một số cá nhân đã đón đầu - hình thành khu dân cư hơn 10ha nhưng chưa có quy hoạch.
Theo cơ quan thanh tra tỉnh, chỉ tính đến tháng 8-2017, lượng hồ sơ đề nghị cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại UBND thị xã Đồng Xoài tăng vọt với 1.960 hồ sơ. Đã cấp 837 giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình với diện tích hơn 147.000m2, nhưng vẫn tồn tại nhiều trường hợp đất không có nhà mà vẫn cấp giấy đỏ với mục đích sử dụng đất ở.
Phá vỡ quy hoạch
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất ồ ạt nhưng thực chất nhu cầu làm đất ở không cao, chỉ là mua bán qua tay hoặc để đầu cơ kiếm lời. Tiếp tục xâm nhập các khu dân cư có dân hiến đất làm đường, chúng tôi ngỡ ngàng khi phát hiện phía sau “nghĩa cử cao đẹp” là động cơ trục lợi. Hầu như khắp các phường, xã đều có người dân hiến đất và được UBND thị xã Đồng Xoài cho phép. Trong đó, phường Tân Xuân và Tiến Thành - nơi có đông người dân hiến đất nhưng hầu hết các công trình không có quy hoạch chi tiết, không có kế hoạch sử dụng đất, không có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có đánh giá tác động môi trường…
Phân lô bán nền băm nát quy hoạch tổng thể đô thị Đồng Xoài
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh đã ký văn bản 110/KL-UBND chỉ ra hàng loạt sai phạm trong công tác chấp hành pháp Luật Đất đai tại Thị xã Đồng Xoài. Trong đó, khẳng định việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở không đúng quy định tạo điều kiện cho các cá nhân “phân lô, bán nền”, hình thành những khu dân cư tự phát, không đúng quy hoạch, không có kế hoạch sử dụng đất và không đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng. Trước đó, cơ quan thanh tra tỉnh đã đề nghị chuyển hồ sơ cho Cơ quan CSĐT để tiến hành điều tra nhưng không được lãnh đạo UBND tỉnh này chấp thuận.
Từ tháng 10-2017, Phòng Quản lý Đô thị TX Đồng Xoài đã chỉ ra 28 công trình kèm theo hồ sơ hiến đất làm đường gây phá vỡ quy hoạch, buộc phải thu hồi đất của người hiến. Điển hình như hộ ông Lê Ngọc Hùng (diện tích 3.976m², hiến 27m²), bà Hoàng Minh Thảo (diện tích hơn 13.038m², hiến 204m²), ông Đỗ Văn Tích (hơn 6.469m², hiến 138m²)… UBND TX Đồng Xoài đã ban hành 40 quyết định thu hồi đất của các trường hợp nói trên. Một cán bộ quản lý đất đai tại Đồng Xoài tên H. nhận xét: Thực sự đau xót khi chứng kiến những tuyến đường chằng chịt, tự phát. Đó là những nhát dao cắm sâu vào lòng đô thị tạo ra những “vết sẹo” khủng khiếp mà có bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng cũng không thể lấy lại nguyên trạng như quy hoạch ban đầu.