CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) vừa tiếp tục thông báo tăng vốn điều lệ đăng ký từ 10.500 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng (thay đổi ngày 13/4). Đây là lần tăng vốn thứ hai của Bamboo Airways kể từ đầu năm.
Thay đổi trước đó diễn ra vào đầu tháng 2, công ty hàng không mới này tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Kể từ thời điểm thành lập tháng 5/2017, vốn điều lệ của Bamboo Airways đã tăng gấp 18 lần.
Chưa rõ tỷ lệ góp vốn mới là bao nhiêu, nhưng theo cập nhật mới nhất khi vốn điều lệ Bamboo Airways còn 10.500 tỷ đồng: ông Trịnh Văn Quyết nắm 43,24%, FLC Faros nắm 8,57% và Tập đoàn FLC nắm 39,4%. Nhóm cổ đông trong hệ sinh thái FLC vẫn nắm giữ hơn 83% vốn của Bamboo Airways.
Ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Tập đoàn FLC và Bamboo Airways mới đây tiết lộ với Reuters rằng hãng hàng không có kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO, vốn hóa thị trường dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3, thông qua việc phát hành từ 5 – 7% cổ phần công ty.
"IPO sẽ là một phần nỗ lực mở rộng dịch vụ ra toàn cầu của chúng tôi", ông Quyết chia sẻ. Ông cũng nói rằng Bamboo Airways đã thuê một công ty kiểm toán quốc tế để tư vấn về việc IPO trên sàn giao dịch chứng khoán New York.
Tháng trước, Bamboo thông tin kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước vào quý 3. Tuy nhiên trong buổi trò chuyện ngày thứ 4, ông Quyết nói đây sẽ là "kế hoạch B, và tình hình cụ thể sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện thị trường".
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 tổ chức vào sáng 12/4, ông Trịnh Văn Quyết cho biết: "Sớm nhất quý 2, chậm nhất quý 3, chúng tôi sẽ niêm yết Bamboo Airways, giá khởi điểm 60 nghìn đồng/cổ phiếu. Hiện nay, Bamboo Airway đã chiếm 20% thị phần ngành hàng không."
Tính theo mức giá niêm yết 60.000 đồng/cp, vốn hóa Bamboo Airways rơi vào khoảng 75.000 tỷ đồng, 3,25 tỷ USD.
Hai hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines hiện có vốn hóa thị trường lần lượt là 3 tỷ USD và 2 tỷ USD còn ACV - đơn vị quản lý 22 sân bay của Việt Nam có vốn hóa 6,7 tỷ USD.