Cơ hội rộng mở cho các hãng hàng không mới
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright, sự tham gia của các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân giúp giải quyết một nút thắt về cơ sở hạ tầng. Bởi nhà nước không có đủ nguồn lực để đầu tư, trong khi cơ sở hạ tầng là 1 trong 12 trụ cột cạnh tranh quốc gia và đang được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá là chưa tốt.
"Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì không thể, còn rất nhiều nút thắt về cơ sở hạ tầng, đường bộ, đường không, đường sông, đường thủy, đường sắt vẫn chưa có nguồn lực để giải quyết mà lấy đâu ra tiền. Ở đây không có thất bại thị trường nào thì không có cơ sở để nhà nước can thiệp, trực tiếp tài trợ. Trong khi đó, tư nhân lại đang có động lực tham gia" – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.
Từ những lý do trên, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc này có hai tác dụng: Một mặt bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; Mặt khác thực hiện đúng chức năng của nhà nước là bảo vệ an ninh, quốc phòng.
Thực tế, các tuyến giao thông quan trọng của bất cứ quốc gia nào cũng có sự đóng góp cổ phần ít nhiều từ phía Nhà nước. Bên cạnh vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, Nhà nước còn phải bảo vệ an ninh quốc phòng của quốc gia. Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là sự phân chia vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước và tư nhân cần được phân định rõ ràng trong luật.
Đối với ngành hàng không, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cho rằng, cơ hội dành cho các hãng hàng không mới đến từ sự xuất hiện của những hạt nhân tăng trưởng, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Cần Thơ. Đây là thị trường mới, nhu cầu di chuyển đang có xu hướng tăng.
Các hãng hàng không mới cần làm gì?
Tuy có cơ hội tại những hạt nhân tăng trưởng, nhưng các hãng hàng không mới cũng đối mặt với nhiều thách thức. Trong quá khứ, Indochina Airlines, Air Mekong đã phải ngừng hoạt động.
"Ngành hàng không có có tính chất độc quyền tự nhiên. Những hãng hàng không tham gia sau sẽ khó cạnh tranh với những hãng hàng không trước vì những hãng hàng không trước đã khấu hao tài sản khá lâu rồi, chi phí trung bình đã giảm. Những hãng hàng không mới vào sẽ có chi phí rất cao, giá vé phải đặt ở mức cao, hoặc phải có một nguồn lực mạnh đề bù vào nhằm chống chịu được giai đoạn đầu" – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Hàng không là ngành đòi hỏi chi phí cố định lớn. Trong khi đó, một vài hãng hãng không ở Việt Nam đã nắm được thị phần lớn. Vì vậy, chi phí cố định bình quân sẽ thấp hơn những hãng mới tham gia thị trường hoặc có thị phần nhỏ.
"Bamboo Airway đầu tư vào ngành hãng không thì nguồn lực hỗ trợ từ các mảng khác phải đủ mạnh, ổn định để bơm trong giai đoạn đầu. Còn nếu không, họ sẽ tắt hơi giữa đường. Đó là thực tế. Các hãng hàng không mới chỉ có thể đi vào thị trường ngách và khác biệt hóa. Đó là cơ hội để họ thành công" – ông Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
Hiện tại, Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air là những hãng đang có thị phần lớn trên thị trường hàng không Việt Nam. Ngoài các tuyến bay có lưu lượng hành khách lớn, những tuyến bay đi và đến các hạt nhân tăng trưởng mới chính là nơi các hãng mới có thể cạnh tranh. Bamboo Airways cũng từng cho biết, hãng này sẽ tập trung vào những tuyến bay đi và đến các khu nghỉ dưỡng của tập đoàn FLC.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không mới chắc chắn sẽ phải thực hiện "khác biệt hóa". Đây cũng là cách Vietjet Air từng làm để giành thị phần từ Vietnam Airlines và Jetstar Pacific.