HĐQT CTCP Bamboo Capital (Mã chứng khoán: BCG) vừa thông qua nghị quyết về việc phê duyệt phương án phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Cụ thể, BCG dự kiến phát hành 5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng. Kỳ hạn 5 năm, lãi suất tính cho hai kỳ tính lãi đầu tiên là 11,5%/năm và bằng lãi suất tham chiều tại kỳ tính lãi đó cộng biên độ 6%/năm trong các kỳ tính lãi tiếp theo. Lãi được thanh toán 6 tháng/lần.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản bảo đảm.
Dự kiến trái phiếu sẽ được chào bán từ quý 4/2021 đến quý 1/2022, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng.
Theo quy định, nhà đầu tư cá nhân cần phải đặt mua tối thiểu 1.000 trái phiếu còn nhà đầu tư tổ chức cần mua tối thiểu là 10.000 trái phiếu. Bên đứng ra sắp xếp cho thương vụ này của BCG là CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.
Về mục đích, vốn huy động sẽ được bổ sung cho nguồn vốn lưu động, tài trợ các dự án điện mặt trời, dự án điện áp mái, dự án bất động sản, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn và nhu cầu vốn thực hiện mua bán sát nhập và thực hiện hợp tác đầu tư, phát triển dự án.
Về phương án cụ thể, BCG dự kiến sử dụng 247 tỷ đồng cho công ty TNHH Điện gió Đông Thành 2 vay, còn lại 253 tỷ đồng được cho vay tại CTCP BCG Wind Sóc Trăng. Thời gian giải ngân dự kiến trong quý 1/2022.
Điểm qua về hai công ty này, Điện gió Đông Thành 2 đang là chủ đầu tư của dự án Điện gió Đông Thành 2 có công suất 120 MW với tổng mức đầu tư 220 triệu USD. Dự án điện gió này đã được hòa lưới điện quốc gia trong tháng 10 vừa qua. Bên cạnh đó, BCG Wind Sóc Trăng hiện là chủ đầu tư của dự án BCG Wind Sóc Trăng với công suất 150 MW, tổng mức đầu tư là 300 triệu USD và được xây dựng từ năm 2019 - 2020.
Về BCG, tính đến thời điểm 30/9/2021, nợ đã vượt 29.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn vào mức 1.962 tỷ đồng. Dư nợ dài hạn đặc biệt tăng mạnh, từ mức 10.564 tỷ lên 22.351 tỷ đồng; trong đó dư nợ vay dài hạn gần 10.951 tỷ và trái phiếu hơn 1.370 tỷ đồng.
Nhìn lại từ thời điểm sau khi BCG chào sàn HoSE, tổng tài sản và nợ vay của doanh nghiệp tăng mạnh theo thời gian. Đáng chú ý là trong năm 2020, tổng tài sản ghi nhận 24.137 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần giá trị của năm 2019, còn tính đến hết tháng 9/2021, tổng tài sản đã tăng lên gần 35.371 tỷ đồng.
Trong quý 3 vừa qua, BCG cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ chi hàng trăm tỷ tham gia đầu tư chứng khoán. Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần giảm 41,5% về 457 tỷ đồng, tuy nhiên doanh thu tài chính đột biến hơn 596 tỷ đồng giúp BCG lãi sau thuế 218 tỷ đồng, tăng cao gấp gần 3 lần cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, BCG đạt gần 1.905 tỷ đồng doanh thu thuần và 701 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 13% và 580% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến 30/9/2021, giá trị danh mục chứng khoán BCG nắm giữ tăng gấp 3 lần lên 1.670 tỷ đồng. Cổ phiếu TPB là cổ phiếu được đầu tư nhiều nhất với 990 tỷ đồng, bên cạnh đó là cổ phiếu PGB với giá gốc hơn 113 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC BCG