Ban Bí thư vừa ra chỉ thị số 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Chỉ thị nhấn mạnh trong suốt quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội.
Chỉ thị 34 nêu rõ, đến nay, cả nước đã hoàn thành xây dựng 195.000 căn nhà ở xã hội và có khoảng 374.000 căn nhà ở xã hội đã được chấp thuận đầu tư và khởi công, cấp phép xây dựng. Chính sách hỗ trợ nhà ở thông qua các chương trình mục tiêu cho các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn và hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, công tác phát triển nhà ở xã hội vẫn còn một số hạn chế như: nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã không đạt được; nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế; giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập; tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị thấp; nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp, chưa huy động được mạnh mẽ nguồn lực xã hội tham gia; còn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát, nhất là tại các vùng khó khăn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội chậm được đổi mới, hoàn thiện, thiếu sự đột phá để thu hút nguồn lực ngoài nhà nước cho phát triển nhà ở xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ;...
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp.
Thứ nhất, Ban Bí thư yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội; đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của địa phương. Phấn đấu đến năm 2030, cả nước xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị.
Cùng với đó, thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở tại khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Thứ hai, Chỉ thị 34 cũng yêu cầu Nhà nước ưu tiên bố trí quỹ đất, nguồn vốn, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nhà ở xã hội, có cơ chế, chính sách ưu đãi thực chất, đủ hấp dẫn để thu hút khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng.
Phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá công nhân, người có thu nhập thấp ở khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng;
Chỉ thị cũng yêu cầu tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê, chú trọng hỗ trợ nhà ở và đất ở cho người có công với cách mạng, người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và kế hoạch phát triển nhà ở từng giai đoạn của địa phương;...
Nhà ở xã hội và nhà ở được nhà nước hỗ trợ tại các chương trình mục tiêu, nhà lưu trú công nhân bảo đảm về chất lượng xây dựng, kiến trúc, cảnh quan, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy chuẩn an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy đồng bộ về cơ sở kỹ thuật và hạ tầng thiết yếu...
Thứ ba, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội, nhất là về cơ chế tài chính, sử dụng nguồn lực, đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị và nông thôn, quản lý phát triển đô thị, quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách thuế, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế...
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng; nâng mức hỗ trợ nhà ở cho người có công và các đối tượng chính sách tại các chương trình mục tiêu. Thực hiện tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, hợp lệ trong xác định giá nhà ở xã hội. Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân. Hoàn thiện pháp luật và tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn.
Thứ tư, về nguồn vốn, Chỉ thị nêu rõ cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển nhà ở xã hội; Nhà nước tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
"Rà soát, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững; mở rộng nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội từ quỹ đầu tư phát triển địa phương và nguồn vốn từ nước ngoài; khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư, quỹ tín thác đầu tư và các hoạt động liên danh, liên kết thực hiện dự án nhà ở xã hội", Chỉ thị 34 nêu rõ.
Cùng với đó, bố trí cấp đủ nguồn vốn ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ, cho vay phát triển nhà ở xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định để cho cá nhân và doanh nghiệp vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; rà soát, đổi mới, tiếp tục mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo chính sách về nhà ở xã hội.
Thứ năm, Ban Bí thứ cũng yêu cầu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới phương thức, mô hình quản lý và phát triển nhà ở xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương trong phát triển nhà ở xã hội, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm việc triển khai các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại đúng mục đích.
Về công tác triển khai thực hiện, Ban Bí thư giao các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; các tính uỷ, thành uỷ thành lập ban chỉ đạo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.