Trang đầu tiên của tờ NYT phát hành ngày 24-5 liệt kê tên, tuổi và thông tin ngắn gọn của một số nạn nhân Covid-19 với tiêu đề "Ca tử vong tại Mỹ sắp chạm mốc 100.000, một mất mát không kể xiết".
"Họ không đơn giản là những cái tên trong danh sách. Họ là chúng ta. Chỉ riêng các con số không thể đong đếm được ảnh hưởng của Covid-19 đến Mỹ, cho dù đó là số lượng bệnh nhân được chữa trị, số việc làm bị ảnh hưởng hay những sinh mạng bị tước đi".
NYT cho biết họ đã thu thập những cái tên từ 1.000 bản cáo phó và giấy báo tử trên các tờ báo của Mỹ để nhấn mạnh số người thương vong trong đại dịch. Theo thống kê của trường ĐH Johns Hopkins, ca tử vong tại Mỹ đã lên tới hơn 97.000 ca, cao nhất trên thế giới cho đến thời điểm này. Tờ NYT nói họ đã cân nhắc xem nên làm thế nào để đánh dấu cột mốc 100.000 người chết.
Trong một bài viết cho Times Insider, trợ lý đồ họa Simone Landon giải thích đây là cách cá nhân hóa thảm kịch khi độc giả và các nhân viên phát triển dữ liệu đã quá mệt mỏi vì những cập nhật liên tục về đại dịch.
Tờ New York Times in tên của 1.000 bệnh nhân qua đời Covid-19 lên trang nhất trong số báo phát hành ngày 24-5. Ảnh: NYT
Ông Landon là người dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tìm kiếm các cáo phó trên hàng trăm tờ báo Mỹ liệt kê Covid-19 là nguyên nhân cái chết rồi lấy tên và các chi tiết cá nhân quan trọng "miêu tả sự độc đáo của những người đã qua đời". Ví dụ như: "Alan Lund, 81 tuổi, sống tại Washington, một nhạc trưởng với đôi tai tuyệt vời nhất".
Tờ NYT đã đăng tải ảnh chụp trang nhất lên Twitter vào chiều 23-5 (giờ địa phương) và nhận được hơn 116.000 lượt thích chỉ trong vòng vài giờ.
Ngày 25-5 là Ngày Tưởng niệm và cũng là ngày bắt đầu mùa hè của Mỹ. Một số chuyên gia lo ngại rằng thời tiết ấm dần lên cùng với việc lệnh phong tỏa dần được nới lỏng trên khắp cả nước có thể gây ra làn sóng Covid-19 thứ 2.
Vào ngày 22-5, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu trong đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Nhà Trắng, nhận định các đợt bùng phát cục bộ mới là điều "không thể tránh khỏi" khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, bác sĩ Fauci cho rằng làn sóng Covid-19 thứ 2 có thể được tránh khỏi nếu các biện pháp tối quan trọng như xét nghiệm, cách ly và truy vết nguồn tiếp xúc tiếp tục được thực hiện.
Ông Fauci hi vọng Mỹ sẽ sẵn sàng cho làn sóng thứ 2 dù một nghiên cứu mới đây của trường ĐH Harvard cho thấy mới chỉ có 9 bang đang tiến hành, hoặc gần tiến hành, công tác xét nghiệm tối thiểu được khuyến nghị.
Đặc biệt, chỉ vài giờ sau phát biểu của ông Fauci, Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ các hướng dẫn y tế và yêu cầu các nơi cầu nguyện mở cửa trở lại vào cuối tuần.