Được định nghĩa là một sổ cái mở và phân quyền, công nghệ blockchain có khả năng ghi chép lại và xác minh các giao dịch mà không cần tín nhiệm cho một cơ quan trung gian nào. Bản thân công nghệ này tồn tại như một file lưu trữ rất nhiều các giao dịch được ghi chép lại gọi là khối (block). Mỗi khối chứa một dấu thời gian (timestamp) và một dãy số dẫn tới khối trước đó hay còn gọi là "dấu vân tay". Blockchain được thiết kế vô hiệu hóa với việc sửa đổi dữ liệu và không thể hồi tố.
Tại Hội thảo "Blockchain và thuế số hoá - Những tác động đến ngành kinh doanh" do Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales tổ chức vào sáng ngày 14/11, ông David Lyford-Smith - Đại diện Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales đã chỉ ra 3 đặc điểm của công nghệ blockchain:
Thứ nhất là tính phổ biến. Blockchain có thể cung cấp những bút toán giống hệt nhau cho mọi người. Không phân biệt tính chất thông tin hay đối tượng nhận thông tin là ai, blockchain phổ biến tất cả thông tin được cập nhật cho tất cả những ai tham gia vào mạng lưới.
Thứ hai là tính cố định. Nhờ cấu trúc chuỗi khối, blockchain chống lại mọi sự thay đổi thông tin một khi đã được cập nhật vào hệ thống. Blockchain không ký bút toán cho một giao dịch độc lập mà giao dịch sau xác nhận cho giao dịch trước. Do đó tính phân quyền của blockchain là rất cao.
Thứ ba là tính lập trình. Một số blockchain tiêu biểu như blockchain ethereum có thể lập trình để trở thành hợp đồng thông minh cho các giao dịch cụ thể mà không cần có sự tham gia của con người.
Vậy blockchain có ảnh hưởng gì đến ngành kế toán kiểm toán?
Nếu như trong hoạt động kế toán thông thường, một nhân viên kế toán cần phải ghi bút toán kép thì blockchain chỉ cần một bút toán có thể cung cấp thông tin cho tất cả các bên mà không lo về tính xác thực. Hồ sơ kế toán sẽ không thể sửa chữa, thay đổi một khi đã được lưu vào blockchain, ngay cả khi chủ sở hữu hệ thống kế toán yêu cầu. Bởi trên nền tảng blockchain, mọi giao dịch hàng ngày được ghi chép lại và xác thực, do đó tính vẹn toàn của các hồ sơ tài chính được đảm bảo.
Chia sẻ về số lượng công việc trong ngành kế toán kiểm toán đã bị thay thế bởi blockchain, ông David khẳng định con số này là bằng 0. "Blockchain có nhiều tiềm năng ảnh hưởng đến tương lai nhưng ở thời điểm hiện tại blockchain vẫn chỉ dừng lại ở quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trong tương lai blockchain sẽ có những tác động".
"Nếu tôi là một nhân viên kế toán tôi sẽ cảm thấy chắc chắn hơn với những số liệu mà tôi nhận được là chính xác. Blockchain có thể là một công nghệ bổ trợ nhưng không thể thay thế được nhiều công việc trong ngành kế toán, kiểm toán", ông David nói thêm.
Đại diện ICAEW Anh cũng đưa ra lời khuyên tới các bạn trẻ, sinh viên hiện đang nghiên cứu trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán: "Các bạn sinh viên cần phải tìm hiểu và liên tục cập nhật các xu hướng mới của công nghệ để áp dụng vào công việc của mình. Bởi blockchain thay đổi trực tiếp đến hành vi kế toán kiểm toán thực tiễn như công việc ghi chép hay đối chiếu sổ sách".
Theo số liệu từ Nasdaq, cho đến nay 4 tổ chức kiểm toán hàng đầu thế giới bao gồm PwC, Deloitte, Ernst & Young và KPMG đều đã thành lập ban nghiên cứu về blockchain và những ứng dụng của công nghệ này trong ngành kế toán kiểm toán.
Có thể blockchain vẫn chưa chính thức thay thế việc làm trong ngành kế toán kiểm toán, nhưng không quá sớm để chúng ta nghiên cứu về công nghệ này và từ đó xây dựng cho mình chiến lược hợp lý. Trong bối cảnh công nghệ phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay, cởi mở và chủ động tiếp cận nguồn thông tin mới là cách duy nhất để thành công.