Tuy nhiên, họ vẫn chưa thống nhất về sản lượng cắt giảm.
Trước cuộc họp mà Reuters mô tả là "khó khăn bậc nhất của OPEC", Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih đề cập khả năng cắt giảm 1 triệu thùng/ngày và hy vọng "OPEC đạt được thỏa thuận mà mọi thành viên sẽ đóng góp phần cắt giảm ngang bằng nhau". Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ của OPEC vẫn có nguy cơ đổ vỡ nếu Nga (nằm ngoài OPEC) không thỏa hiệp.
Đến nay, Nga và Ả Rập Saudi, thủ lĩnh trên thực tế của OPEC, vẫn chưa bắt đầu đàm phán. Các phái đoàn dự cuộc họp hôm 7-12 cho rằng Moscow nên chấp nhận giảm 150.000 thùng/ngày; trong trường hợp họ chịu giảm 250.000 thùng/ngày, OPEC có thể giảm 1,3 triệu thùng/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih trả lời phỏng vấn trước Hội nghị OPEC ở Vienna hôm 6-12 Ảnh: REUTERS
Ông Spencer Welch, Giám đốc mảng thị trường dầu mỏ của Công ty Tư vấn IHS Markit (Anh), nhận định Nga nhiều khả năng đồng ý cắt giảm sản lượng dầu thô nhưng mức cắt giảm "không cao" như kỳ vọng. Bất kỳ mức cắt giảm nào dưới 1 triệu thùng/ngày đều sẽ gây thất vọng, theo Straits Times.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Mỹ đã trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thô vào tuần trước, phá vỡ thế phụ thuộc dầu mỏ nước ngoài trong gần 75 năm qua. Mỗi ngày hồi tuần rồi Mỹ bán ra nước ngoài 211.000 thùng dầu thô và các sản phẩm tinh chế (như xăng và dầu diesel). Sự "lột xác" này xuất phát từ hoạt động bùng nổ chưa từng có của hàng ngàn giếng dầu từ bang Texas, New Mexico, Bắc Dakota đến Pennsylvania.
"Chúng tôi đang trên đường trở thành một cường quốc năng lượng thống trị trên thế giới" - ông Michael Lynch, Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược năng lượng và kinh tế (SEER), khẳng định. Theo ông Lynch, dù không đủ để tạo ra "một cuộc cách mạng lớn" song sự có mặt của Mỹ buộc OPEC phải cân nhắc khi tính đến việc cắt giảm sản lượng.