Nhiều doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ thu nghìn tỷ khi giá cổ phiếu lên vùng đỉnh lịch sử và có dấu hiệu chùng lại.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) vừa công bố kết quả giao dịch cổ phiếu quỹ. Theo đó, KDH bán thành công toàn bộ 19.850.640 cổ phiếu quỹ với giá bình quân 40.866 đồng/cp, thu về hơn 811 tỷ đồng.
Nhà Khang Điền bán cổ phiếu quỹ trong bối cảnh giá cổ phiếu KDH tăng mạnh từ đầu năm 2021 đến nay với tỷ lệ tăng gần 60% và lên đỉnh lịch sử 42.700 đồng/cp vào giữa tháng 9. Cổ phiếu KDH gần đây giảm nhẹ những vẫn quanh vùng đỉnh lịch sử.
Số cổ phiếu quỹ này được KDH mua hồi tháng 4-5/2020 với mức giá hơn 21.000 đồng/cp. Như vậy, sau hơn 1 năm Nhà Khang Điền thu về khoản lãi khoảng 400 tỷ đồng. KDH bán cổ phiếu quỹ cho dù doanh thu và lợi nhuận 6 tháng đầu năm đều tăng.
Hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8, Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán 60 triệu cổ phiếu quỹ, giá bình quân 108.637 đồng, thu về hơn 6.500 tỷ đồng, lãi gần 1.000 tỷ sau 2 năm nắm giữ.
Ngoài bán cổ phiếu quỹ, năm nay Vinhomes dự kiến huy động tối đa 6.530 tỷ đồng trái phiếu. Cụ thể, đơn vị sẽ chào bán ra công chúng tối đa 4.370 tỷ đồng trái phiếu và chào bán riêng lẻ tối đa 2.160 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi.
Bất động sản là lĩnh vực hái ra tiền nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. |
Hồi giữa năm, CTCP Đạt Phương (DPG) đã bán ra toàn bộ 1,5 triệu cổ phiếu quỹ thu về 54,5 tỷ đồng để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất.
Không chỉ bán cổ phiếu quỹ, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và bất động sản công nghiệp cũng đẩy mạnh huy động vốn.
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của đại gia Đặng Thành Tâm vừa thông qua giá chào bán 100 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư đăng ký mua cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ năm 2021. KBC dự kiến thu về hơn 3,4 nghìn tỷ đồng. KBC dự kiến sử dụng 12,3% tổng số tiền huy động được để bổ sung vốn lưu động sản xuất kinh doanh, sử dụng 34,6% để đầu tư góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết. Phần còn lại KBC dự kiến dùng để tái cơ cấu nợ vay.
Hoạt động bán ra cổ phiếu quỹ đồng thời huy động thêm vốn của nhiều doanh nghiệp diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu tăng mạnh trong gần 2 năm qua và đang ở đỉnh cao.
Gần đây, thị trường bất động sản trầm lắng vì đại dịch và ngân hàng có dấu hiệu siết vốn vay vào các lĩnh vực có độ rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản.
Biến động chỉ số VN-Index. |
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 30/9
Chốt phiên sáng 30/9, chỉ số VN-Index tăng 3,64 điểm lên 1.342,85 điểm. HNX-Index tăng 3,47 điểm lên 357,76 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 96,16 điểm. Thanh khoản đạt 9,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Trong nhóm ngân hàng, nhiều mã tăng trở lại như Vietinbank, MBBank, Techcombank, TPBank, ACB… Trong khi đó, một số mã vẫn chịu áp lực bán ra như Vietcombank, VPBank, BIDV…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng hút dòng tiền với những cái tên như: HCM, MBS, VND, CTS, VCI…
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng cho dù giá dầu thế giới quay đầu giảm. Các mã như PVD, PVB, PVS, PGC, PGS, ASP… vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong nhóm VN30, Masan tiếp tục tăng giá thêm 2.800 đồng lên143.800 đồng/cp. Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng 2.300 đồng lên 95.600 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu họ “Vin” tăng trở lại. Vingroup tăng 1.200 đồng lên 87.900 đồng/cp. Vinhomes tăng nhẹ 300 đồng lên 78.500 đồng/cp. Vincom Retail tăng 500 đồng lên 28.800 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái Louis" thoát giảm sàn nhưng vẫn giao dịch tiêu cực.
Trên thị trường chứn khoán, thông tin về bom nợ Evergrande tại Trung Quốc có thể vỡ nợ và gây ảnh hưởng cho thị trường tài chính toàn cầu cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Evergrande rơi vào tình trạng thiếu tiền để thực hiện các dự án bất động sản dang dở sau khi Bắc Kinh siết chặt quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhằm hạn chế rủi ro.
Các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra “3 lằn ranh đỏ” mà các doanh nghiệp bất động sản không được vi phạm, gồm: tỷ lệ tổng nợ phải trả/tổng tài sản (không bao gồm các khoản trả trước và doanh thu chưa thực hiện) dưới 70%; tỷ lệ thanh toán ròng (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) dưới 100%; tỷ lệ tiền mặt/nợ vay ngắn hạn lớn hơn 1.
Theo BSC, VN-Index vẫn đang vận động trong biên độ hẹp khi dòng tiền đầu tư đang phân hóa theo KQKD quý III.
Theo VDSC, diễn biến của VN-Index hôm qua không quá bất ngờ và trong trạng thái thăm dò sau động thái hồi phục trong phiên trước. Thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước và dưới mức trung bình 50 phiên, cho thấy áp lực bán tạm thời hạ nhiệt, tuy nhiên dòng tiền hỗ trợ cũng thận trọng. Với trạng thái cân bằng của cung cầu, có thể VN-Index sẽ theo quán tính và di chuyển theo hướng hồi phục nhưng mức độ hồi phục sẽ không cao do chưa thu hút được dòng tiền. Vùng cản cần lưu ý đối với chỉ số vẫn là vùng 1.350-1.355 điểm.
Chốt phiên chiều 29/9, chỉ số VN-Index chỉ còn giảm 0,1 điểm xuống 1.339,21 điểm. HNX-Index giảm 1,74 điểm xuống 354,29 điểm. Upcom-Index giảm 0,07 điểm xuống 95,94 điểm. Thanh khoản giảm mạnh xuống còn 20,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 17,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà