Lãnh đạo UBND thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết vụ hoa Tết Ất Tỵ, 2025 các làng hoa trong thị xã đã có doanh thu 155,6 tỷ đồng.
Trong đó, mai kiểng bán được 281.884 chậu, doanh thu hơn 140,9 tỷ đồng, hoa cúc các loại tiêu thụ 31.325 chậu, doanh thu trên 14,7 tỷ đồng.
Đặc biệt, 2 làng mai lớn của thị xã An Nhơn là làng mai Nhơn An bán được 84.800 chậu mai kiểng, doanh thu 42,4 tỷ đồng, làng mai Nhơn Phong bán 82.600 chậu mai kiểng, doanh thu 41,3 tỷ đồng…
Bên cạnh cây mai cảnh thì năm nay, trên địa bàn thị xã trồng khoảng 30.000 chậu hoa cúc, tập trung chủ yếu ở khu vực Vĩnh Liêm, Liêm Trực phường Bình Định, phường Nhơn Hưng, xã Nhơn Hậu và các khu vực lân cận; ước tính doanh thu từ hoa cúc và các loại hoa khác đạt khoảng 14,7 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND thị xã An Nhơn, mặc dù tình hình thời tiết những ngày cuối năm không thuận lợi cho cây mai, hoa không kịp nở để bán Tết Nguyên đán nhưng được giá bán cao hơn năm ngoái nên doanh thu tiền bán mai tết nguyên đán 2025 trên địa bàn thị xã đạt tương đối khá.
Được mệnh danh là thủ phủ mai vàng miền Trung – thị xã An Nhơn (Bình Định) hiện có khoảng 10.000 hộ dân trồng mai với diện tích hàng trăm ha. Tết đến, những "thợ mai" cho ra thị trường một lượng lớn mai vàng, kiểu dáng "độc lạ", bắt mắt để phục vụ người dân chơi xuân.
Năm nay, Lễ hội Mai vàng An Nhơn lần thứ 2 được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, là dịp để quảng bá vẻ đẹp của mai vàng và sự phát triển của nghề trồng mai nơi đây.
Ông Mai Xuân Tiến - Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn cho biết, từ ngày 6 - 8/2 (tức mùng 9 - 11 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Quảng trường trung tâm thị xã An Nhơn, Lễ hội Mai vàng An Nhơn diễn ra các hoạt động như trưng bày 130 chậu mai với kiểu dáng đẹp, mai bonsai; hội thi trình diễn tạo dáng, thế mai đẹp; hô bài chòi, lễ hội đường phố, thi chim cảnh...
Thông qua lễ hội, các nhà vườn có cơ hội giới thiệu sản phẩm mai vàng truyền thống của làng nghề, đồng thời tăng cường kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng. Đây cũng là dịp để mở rộng thị trường tiêu thụ và tiếp tục khẳng định thương hiệu Mai vàng An Nhơn - Bình Định.
Thị xã An Nhơn ở phía Nam của tỉnh Bình Định; phía Bắc giáp huyện Phù Cát; phía Nam giáp huyện Vân Canh và Tuy Phước; phía Tây giáp các huyện Tây Sơn và Vân Canh; phía đông giáp huyện Tuy Phước. An Nhơn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, được chia làm hai mùa rõ rệt.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023 của Thủ tướng xác định, thị xã An Nhơn đến năm 2025 sẽ trở thành đô thị loại 3 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Định.
Đến năm 2030, An Nhơn được định hướng là 1 trong 21 đô thị phát triển kinh tế - xã hội vùng phía Nam tỉnh Bình Định; là một trong những trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Quy Nhơn và ngược lại, bao gồm các chức năng như: sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đầu mối giao thông đa năng.
Hiện thị xã An Nhơn có các thế mạnh, tiền đề để lên thành phố như hệ thống giao thông phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại. An Nhơn có đầy đủ đường bộ, đường sắt và hàng không… thúc đẩy giao lưu kinh tế, hợp tác phát triển, tạo thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa từ thị xã An Nhơn đến các khu vực khác trong tỉnh, cả nước và quốc tế.
Ngoài ra, An Nhơn có những lợi thế về vị trí địa lý tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, là dư địa để mở rộng phát triển công nghiệp, dịch vụ trong khu vực tam giác phát triển An Nhơn - Quy Nhơn - Nhơn Hội, cân bằng mật độ tập trung công nghiệp, là địa bàn để phát triển các cơ sở dịch vụ mới trong tình hình quỹ đất ở thành phố Quy Nhơn đang dần lấp đầy và quá tải.