Tốt nghiệp chuyên hóa tổng hợp và là du học sinh ngành hóa, Trần Tâm Phương hiện là CEO Viet Ferm, công ty chuyên cung cấp sản phẩm Dấm gạo Thủy Tâm và Hồ tiêu ngâm ra thị trường. Đây là những sản phẩm do công ty (cũng là gia đình) anh tự sản xuất và đã bán ra thị trường thông qua tiểu thương tại các chợ trong khoảng 30 năm nay.
Anh cùng mẹ và em gái, cũng là những người phụ trách sản phẩm, kinh doanh của Viet Ferm đã đến với Shark Tank Việt Nam để kêu gọi đầu tư 3 tỷ đồng cho 15% cổ phần công ty.
Doanh thu 2,5 tỷ đồng mỗi năm từ bán dấm gạo, hồ tiêu
Theo lời giới thiệu của Phương, sản phẩm gia đình anh hiện đã có mặt tại một số nhà hàng lớn tại Hà Nội như hệ thống Lã Vọng, phở Lý Quốc Sư… Doanh thu mỗi năm từ dấm gạo, hồ tiêu ngâm vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Mặc dù dấm gạo không phải sản phẩm mới lạ gì trên thị trường và có sự cạnh tranh nhất định, nhưng hồ tiêu ngâm là sản phẩm mới lạ trên thị trường của công ty anh và mang lại tỷ suất lợi nhuận tốt.
Hiện tại, chi phí sản xuất một lọ hồ tiêu ngâm là 20.000 đồng/lọ, trong khi giá bán ra là 50.000 đồng/lọ. Còn với dấm, chi phí sản xuất là 6.000 đồng/lọ, giá bán buôn ra thị trường là 8.000 đồng và giá bán lẻ là 10.000 đồng/lọ. Tuy nhiên, các sản phẩm hiện vẫn làm khá thủ công và nếu sản xuất công nghiệp hàng loạt sẽ giúp chi phí giảm đi.
Trần Tâm Phương cho biết nếu huy động được 3 tỷ từ các Shark, anh sẽ đầu tư nhà xưởng trong năm đầu tiên với số tiền 1,5 tỷ đồng. 500 triệu đồng dùng làm chi phí marketing, truyền thông. Đến năm thứ 2 thì số tiền còn lại sẽ được dùng để mở rộng thị trường.
“Bọn em đến đây với cái tâm của người làm nghề, biết các Shark là người có kinh nghiệm trong kinh doanh nên nếu kết hợp được sẽ nâng sản phẩm lên tầm cao mới”, Trần Tâm Phương trả lời câu hỏi của Shark Nguyễn Xuân Phú – Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse vì sao 3 tỷ không đi vay lại lên chương trình gọi vốn.
Sản phẩm dấm gạo của Thủy Tâm
Tuy vậy, sản phẩm của doanh nhân trẻ tuổi này chưa nhận được sự quan tâm của Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group và Shark Thái Văn Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital. Theo Shark Hưng, sản phẩm dấm gạo, hồ tiêu mang tính chất gia đình. Nếu sản xuất công nghiệp thì việc kiểm soát chất lượng và cảm nhận của người tiêu dùng sẽ ko phải sản phẩm truyền thống gia đình nữa, mà nó trở thành sản phẩm công nghiệp, na ná các sp trên thị trường nên sẽ không đầu tư.
Còn với Shark Linh, chị cho biết chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về ngành này nên sẽ không đầu tư.
Cái gật đầu của SunHouse Sam Holdings
Ngược lại, Shark Trần Anh Vương – CEO CTCP SAM Holdings và Shark Phú lại tỏ ra khá hào hứng với hoạt động kinh doanh của Viet Ferm.
“Anh rất thích sản phẩm này, hiện tại công ty anh sở hữu thương hiệu bánh kẹo Hoàng Mai với sản phẩm bánh kẹo Richy là thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm. Đội ngũ bán hàng lên tới hàng nghìn người, doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm nên nếu kết hợp được thì tốt. Tuy nhiên, anh muốn 3 tỷ cho ít nhất 35% cổ phần” Shark Phú cho biết.
Trong khi đó, Shark Vương muốn có sự kiểm soát ở mức 40%: “Tập đoàn anh có đầu tư vào nông nghiệp, bọn anh có vùng hồ tiêu nguyên liệu và có nhà máy sản xuất hồ tiêu xuất khẩu ở Đắc Nông nên cũng quan tâm. Anh muốn anh và anh Phú sẽ nắm 40% cổ phần”.
Tuy nhiên, CEO Viet Ferm chỉ muốn dừng ở mức 25% cổ phần và không muốn giảm tỷ lệ sở hữu tại công ty.
Trước vấn đề này, Shark Phú đã khuyên Trần Tâm Phương nên thoát ra khỏi tư tưởng phải nắm giữ nhiều. Những công ty lớn như FPT, Thế giới di động…, founder họ chỉ nắm 5-10%.
“Nếu em muốn giữ 80% cổ phần thế này thì tốc độ phát triển sẽ rất chậm. Tiền bạc đến một lúc nào đó sẽ vô nghĩa, các em chỉ cần 100 tỷ là có thể sống thoải mái. Ý nghĩa tôi muốn là mang đến người tiêu dùng giá trị văn hóa dân tộc, các sản phẩm sẽ được phát triển rộng ra”.
Shark Phú (Sunhouse) và Shark Vương (Sam Holdings) quyết định đầu tư 4 tỷ vào Viet Ferm
Trong khi đó, Shark Vương cũng đưa ra lời đề nghị lớn hơn và muốn kiểm soát tối thiểu 35%, và số tiền đầu tư có thể sẽ lớn hơn 3 tỷ ban đầu. Lời đề nghị Shark Vương đưa ra là cùng với Shark Phú sẽ kiểm soát 40% cổ phần với giá 4 tỷ đồng.
“Anh với anh Phú tham gia thì công ty có thêm 2 sức mạnh. Shark Phú mạnh về phân phối, anh thì mạnh về nông nghiệp và đang đầu tư nhiều ở Tây Nguyên. Đây là cơ hội để đưa hồ tiêu, dấm gạo phát triển ra thế giới” Shark Vương thuyết phục.
Con số 4 tỷ đồng cho 40% cổ phần và được sự hỗ trợ từ cả đã SunHouse lẫn Sam Holdings đã được CEO Viet Ferm đồng ý. Như vậy, đây là thương vụ thành công thứ 2 của chương trình Shark Tank Việt Nam kể từ khi lên sóng.