Đơn cử hộ ông Điểu Mép (dân tộc S’tiêng, trú xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng) có vườn điều rộng 2ha. Do túng thiếu, ông Mép bán non vườn điều cho tư thương, lấy 100 triệu đồng. Nay, tiền đã cạn, cuộc sống cũng không khá hơn, nhưng vườn điều vẫn chưa lấy về được… Hay như hộ ông Điểu Khố - láng giềng ông Mép - có vườn điều rộng khoảng 4ha.
Giữa năm 2017, do cần tiền mua phân bón để sản xuất, ông Khố đã nghe theo một số người tư vấn đưa sổ đỏ cho một người phụ nữ cầm cố vay tiền ngân hàng. Vay được 450 triệu đồng, nhưng ông Khố chỉ nhận … 20 triệu đồng; số tiền còn lại (430 triệu đồng) vào tay 2 người phụ nữ khác, với lý do dùng đáo hạn, đóng lãi hàng tháng, chi phí khác… Hiện sổ đỏ vườn điều, theo ông Khố, không biết tới bao giờ mới thu về, vì để trả món nợ trên là điều … không tưởng đối với gia đình ông Khố.
Ông Nguyễn Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn - cho biết: Toàn xã có 707 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng có tới 50 hộ bán điều non, với tổng diện tích 117,6ha và số tiền trên 7,2 tỷ đồng. Thời hạn bán từ 2-6 năm, cá biệt có hộ bán thời hạn 17 - 20 năm, như hộ ông Điểu Tớt bán 3ha, thời hạn 17 năm, giá 90 triệu đồng; hộ Điểu Mbo bán 5,8ha, ông Điểu Quang bán 2,2ha, cùng thời hạn 20 năm với giá 400 triệu đồng…
Rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước rơi cảnh nợ nần, do bán điều non. Ảnh: C.H
Tại sao xuất hiện tình trạng bán điều non ở Bình Phước? Có người cho rằng, “vì cái nghèo là một nguyên nhân. Ngoài ra, còn ở chỗ suy nghĩ của một số người rất hạn chết, không am hiểu hết luật pháp, dễ bị người khác dụ dỗ, lừa cầm cố tài sản để chiếm đoạt.… Một số học đua đòi, phung phí không cần thiết nên mạnh tay bán điều non, cầm vườn tược… Cuối cùng là trắng tay”.
Theo ông Điểu Điều – Trưởng Ban dân tộc HĐND tỉnh Bình Phước: Trong năm 2017, tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán điều non là 375 hộ, với diện tích 523,4ha và số tiền 22,6 tỷ đồng. Đây là hiện tượng nhức nhối, xuất hiện đã nhiều năm; tuy nhiên, do các công tác tuyên truyền còn hạn chế, chưa phổ biến rộng rãi tới người dân, nên hiện tượng bán điều non vẫn tái diễn…
Trong khi đó, việc vay mượn, bán non vườn điều, phần lớn là viết giấy tay, không có hợp đồng vay mượn và trên giấy lại không thể hiện mức lãi suất nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của người cho vay gặp khó. Hơn nữa, những người cho vay này đều không mang tính chất chuyên nghiệp, do đó hành vi của họ không cấu thành tội cho vay nặng lãi. Chính vì thế, đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được đối tượng nào về hành vi cho vay nặng lãi, siết đất của đồng bào dân tộc thiểu số.