Chỉ có 20 startup Việt về Blockchain nhưng con số đăng ký ở nước ngoài lớn hơn rất nhiều. Ở một cuộc thi tầm khu vực thì trong số 40 dự án tham gia, có đa số là từ Việt Nam. Thậm chí, chúng ta có 2 dự án ICO lọt tầm quốc tế trong năm qua.
Số lượng nhà đầu tư tham gia đông đảo, những dự án đa cấp 'tai tiếng' hay những ICO gọi vốn được cả chục triệu USD trong năm qua...Đó chính là bức tranh, có nhiều điểm sáng tối lẫn lộn, về nền công nghiệp Blockchain được được hình thành ngày càng rõ nét ở Việt Nam.
Mới đây, bức tranh ấy đã được tô điểm thêm một chấm phá rất rõ nét khi mà một hội thảo về Blockchain cấp thế giới - Vietnam Blockchain Week - đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu người ta được chứng kiến những nhân vật tên tuổi của một ngành công nghiệp đang có sự sôi động bậc nhất thế giới cùng quy tụ về Việt Nam.
Rõ ràng, sự kiện phần nào đã chứng minh rằng Việt Nam đang ngày càng ghi dấu ấn trong bản đồ Blockchain quốc tế. Và điều này cũng được chia sẻ bởi chính các diễn giả tại Vietnam Blockchain Week, ví dụ có thể kể đến như đại diện của Tổng công ty thanh toán quốc gia NAPAS, của nhà tổ chức là Infinity Blockchain Labs.
Có diễn giả tham gia vào chương trình mang tầm quốc tế này, rõ ràng NAPAS, hay nói rộng hơn đã bắt đầu có những sự quan tâm nhất định của cơ quan quản lý đến công nghệ Blockchain. Ông Nguyễn Hùng Nguyên – Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) của NAPAS - đề cập đến một cục diện sẽ có nhiều biến chuyển của cuộc chiến thanh toán nếu như có sự có mặt của Blockchain.
Cần nói thêm rằng năm vừa qua, sau khi Jack Ma tới Hà Nội và úp mở chuyện Alipay đổ bộ Việt Nam (liền ngay sau đó Napas đã ký một thỏa thuận hợp tác với Alipay), giới khởi nghiệp công nghệ đã tiên đoán rằng cạnh tranh giữa các nền tảng thanh toán từ nay sẽ trở thành một lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất ở Việt Nam đến năm 2020. Hiện tại, người ta đã thấy quá nhiều 'anh tài' đang chờ sẵn trong nước để đối đầu với Alipay như Nganluong, Baokim, AirPay, 1Pay...
Ông Nguyên cho rằng Blockchain sẽ làm thay đổi rất nhanh cuộc cạnh tranh nói trên bởi thanh toán gần như sẽ phải là ngành nghề truyền thống đầu tiên ứng dụng công nghệ này. Nếu không ứng dụng, các hình thức thanh toán truyền thống thậm chí sẽ bị Blockchain đánh bại vì công nghệ này đã chứng minh sự ưu việt của mình với thời gian giao dịch nhanh và chi phí rẻ.
Panel thảo luận:"Việc chấp nhận Blockchain trong thanh toán và giao dịch" có sự tham gia của CIO NAPAS
Ông tiết lộ rằng chính NAPAS đã thử nghiệm chuyển tiền xuyên biên giới từ Việt Nam sang nước ngoài bằng Blockchain: "Về cơ bản là chúng tôi đã thử nghiệm Blockchain vào việc chuyển tiền điện tử giữa Singapore và Việt Nam. Các quốc gia khác sẽ được chúng tôi thử nghiệm trong thời gian tới".
Từ đó, nhìn từ con mắt của người đang ứng dụng Blockchain để chỉ ra tiềm năng của Việt Nam, ông Nguyên cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp nhận và ứng dụng công nghệ mới này, bởi chúng ta không có quá nhiều cơ sở hạ tầng tiền đề – những thứ cũ kỹ có thể sẽ cản bước sự thử nghiệm cái mới.
Thực tế là hiện tại ở Việt Nam, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết, và có lẽ chỉ có công nghệ Blockchain mới có thể giải quyết chúng. Có thể lấy ví dụ như việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong nội thành TP Hồ Chí Minh, hoặc là Chính phủ đang muốn xây dựng một nền tảng quản lí bệnh án hiệu quả hơn...Đây đều là những vấn đề bất cập đã tồn tại từ lâu trong xã hội nhưng vẫn chưa được giải quyết được.
Đối với ông Kimble Ngo – người dẫn dắt sự kiện và cũng là nhà sáng lập Amp Marketing Blockchain đánh giá cao tiềm nănghệ sinh thái Blockchain ở Việt Nam.
Với một đội ngũ công nghệ nhanh nhạy với cái mới và sự tiếp nhận rất nhanh của giới đầu tư, ông Ngo cho rằng Việt Nam chính là lá cờ đầu về Blockchain trong khu vực. Hiện tại, khi nói về các trung tâm Blockchain, người ta đã kể về Thung lũng Silicon ở Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và nay cũng có thể đặt cái tên Việt Nam ngang hàng.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành lá cờ đầu trong ngành công nghiệp Blockchain. Đây là lĩnh vực mới và Việt Nam may mắn sở hữu không ít những kỹ sư Blockchain xuất sắc nhất. Cái tên Việt Nam có thể đặt ngang hàng với những trung tâm Blockchain của thế giới. Thứ duy nhất họ đang thiệt thòi so với Singapore hay Thung lũng Silicon là một tiếng nói – một tiếng nói để cho cả thế giới biết rằng Việt Nam đã thực sự sẵn sàng" - Ông Kimble Ngo nói.
Những nhận xét của ông KImble Ngo là hoàn toàn đáng có sơ sở nếu nhìn vào những số liệu của một vị diễn giả khác đưa ra. Theo bà Nicole Nguyễn - Giám đốc tiếp thị của Infinity Blockchain Labs, ước tính sơ bộ của công ty này, Việt Nam hiện đã có 20 startup Việt về blockchain đăng ký trụ sở tại Việt Nam.
Tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn nhiều, lý do là vì các startup Việt ngại luật pháp trong nước nên thường đăng ký trụ sở tại Sinapore nhưng vẫn làm việc tại Việt Nam. "Có nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở tại nước ngoài và ngược lại. Bên cạnh đó có các dự án về Blockchain dù chưa thành lập công ty nhưng đã manh nha tiềm năng rất lớn" - Bà Nicole nói.
Trong cuộc thi tìm kiếm dự án về Blockchain tiềm năng cấp khu vực do công ty này tổ chức vào năm ngoái, đã có gần 40 dự án đăng ký tham gia, đa số đến từ Việt Nam, còn lại những dự án đến từ các nước khác.
Năm 2017, các startup Việt cũng đã ghi dấu mạnh mẽ trên bản đồ các dự án gọi vốn bằng tiền ảo khi đã có 2 dự án được mang tầm cỡ quốc tế. Có thể kể đến đó là Kyber Network của CEO Loi Luu huy động thành công số vốn tương đương 52 triệu USD hay Tomo của CEO Long Vuong đã huy động thành công số vốn tương đương 7,5 triệu USD. Cả Kyber Network và Tomo đều được giới đầu tư thế giới đánh giá rất cao thời điểm chào bán token.
Như thế, theo bà Nicole, những câu chuyện trên đã ghi dấu Việt Nam thành một trong những chấm sáng sôi động của Blockchain thế giới. So sánh trong khu vực Đông Nam Á, Singapore đến Việt Nam rồi tới Thái Lan chính là những quốc gia đón nhận công nghệ này một cách nồng nhiệt nhất.