Cuối năm 2021 có một số lô trái phiếu DN bất động sản phát hành riêng lẻ với giá trị lớn đến hạn trả nợ. Trong bối cảnh DN bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch Covid, giới quan sát đang “nín thở” chờ xem có bị vỡ nợ.
Nỗi lo trái phiếu “3 không”
Báo cáo của Công ty chứng khoán VnDirect cho biết, tổng giá trị trái phiếu DN phát hành trong quý 3/2021 đạt 111.744 tỷ đồng, giảm 25% so với quý trước, đồng thời giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 88 DN phát hành tổng cộng 107.944 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 3.800 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Bất động sản vươn lên thành ngành có tỷ trọng trái phiếu phát hành lớn nhất, chiếm 46,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 52.287 tỷ đồng, tăng hớn 60% so với quý trước. Lũy kế từ đầu năm, bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị phát hành, chiếm hơn 46%. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức khá cao, từ 7,4-13%/năm.
Khi ngân hàng kiểm soát chặt cho vay, nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu DN bất động sản. |
Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản khiến nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu của các DN trong lĩnh vực này tăng cao, đặc biệt là những DN hạn chế về tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tuy nhiên, có một nghịch lý là trong khi ngân hàng lo ngại bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, kiểm soát chặt cho vay thì các nhà đầu tư thấy đổ vào mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao.
Giới chuyên môn cho rằng, nhiều DN bất động sản đang phát hành trái phiếu "3 không" (không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản bảo đảm, không có đơn vị bảo lãnh), rất đáng quan ngại.
Ngoài ra, trái phiếu DN bất động sản phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN cũng rất rủi ro. Việc dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu không có nhiều ý nghĩa, nếu DN mất khả năng thanh toán. Khi đó, giá trị cổ phiếu của DN sụt giảm mạnh, thậm chí về 0 đồng, thì tài sản đảm bảo này cũng không còn ý nghĩa.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính, cho rằng, thực trạng thị trường trái phiếu DN Việt Nam đang có sự bất cân đối về thông tin giữa người bán và người mua. Người bán nắm nhiều thông tin hơn nhưng không công bố, minh bạch cho người mua biết, từ đó dẫn đến sự sai lệch giữa giá cả và chất lượng, gây rủi ro cho các nhà đầu tư.
Thời gian gần đây, có sự gia tăng số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia. Họ không nắm được nhiều thông tin và hiểu biết hạn chế, tạo nhiều rủi ro cho thị trường. Phần lớn các hoạt động giao dịch của các chủ thể lại không được niêm yết để các cơ quan quản lý có thể bao quát được thị trường.
Chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim nhận định, thị trường trái phiếu DN Việt Nam không chặt chẽ bằng các thị trường trong khu vực. Trong khi các thị trường khác quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu thì Việt Nam vẫn chưa. Theo quy định tại Luật chứng khoán và Nghị định số 153/2020, DN huy động vốn thông qua trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
“Nín thở” chờ đợi
Đến nay, Việt Nam mới có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm. Chúng ta vẫn chưa có thói quen xếp hạng tín nhiệm DN. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển nhưng nhu cầu xếp hạng rất ít. Việc xếp hạng tín nhiệm nhiều khi không đến từ DN phát hành trái phiếu mà đến từ yêu cầu của chủ nợ. Hơn nữa, xếp hạng tín nhiệm DN xong rồi cất vào ngăn tủ, không công bố, nên chẳng ai biết thì cũng không có giá trị gì.
Trái phiếu DN bất động sản, mập mờ dòng vốn. |
Giới chuyên môn cho rằng, các nhà đầu tư rất cần quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu để đánh giá rủi ro. Nhìn sang thị trường trái phiếu DN của Thái Lan sẽ thấy, hầu hết những DN xếp hạng C đều phá sản, có DN chỉ sau 3 năm đã vỡ nợ. Thậm chí, các DN xếp hạng B cũng phá sản vô cùng chóng vánh. Chỉ những DN xếp hạng A là đáng tin cậy.
Với Việt Nam cũng như vậy, nếu đầu tư trái phiếu dài hạn từ 5-7 năm, cần hết sức lưu ý về xếp hạng tín nhiệm DN phát hành.
Với lĩnh vực bất động sản, ông Phạm Nam Kim cho rằng, cũng giống như Trung Quốc, tại Việt Nam, có không ít công ty "thổi giá", "vẽ" dự án. Có những DN gọi vốn hàng nghìn tỷ đồng qua trái phiếu nhưng chỉ chi vài trăm tỷ cho các dự án, còn lại là trả nợ và đầu tư vào những thứ khác... Tiếp đến, các DN bất động sản cũng có tỷ lệ nợ cao bất thường. Khi DN gặp trục trặc thì nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ các trái phiếu đều bị vạ lây.
Những DN phát hành khối lượng lớn trái phiếu lãi suất cao mà sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, có thể dẫn đến việc không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Fiin Group, lo ngại, do Việt Nam chưa có quy định bắt buộc sử dụng xếp hạng tín nhiệm DN khi phát hành trái phiếu ra thị trường, nên các nhà đầu tư sẽ phải tự đánh giá chất lượng và rủi ro. Nếu chạy theo trái phiếu với lãi suất 12-15%/năm hoặc hơn thì phải chấp nhận rủi ro phá sản của DN và có thể bị mất vốn.
Giới chuyên môn đang “nín thở” quan sát, thời điểm cuối năm 2021 sẽ có một số lô trái phiếu DN bất động sản phát hành riêng lẻ, với giá trị lớn và lãi suất cao, đến hạn trả nợ. Trong bối cảnh các DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid và thị trường bất động sản trầm lắng, có nguy cơ xảy ra vỡ nợ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến nhận định, các DN này vẫn đang phát hành trái phiếu với khối lượng lớn nên có tiền để đảo nợ. Vì vậy, nguy cơ vỡ nợ chưa đáng lo ngại. “Điểm rơi” trả nợ trái phiếu DN với giá trị lớn, lãi suất cao sẽ diễn ra vào năm 2024 và 2025. Khi đó, hàng loạt DN sẽ phải thanh toán tiền gốc và lãi, nếu tình hình thị trường bất động sản từ nay đến khi đó không khởi sắc mới là nguy cơ lớn.
Trần Thủy