Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Modi cho biết Ấn Độ đã bắn hạ thành công một vệ tinh hoạt động trong quỹ đạo thấp của trái đất đồng thời nhấn mạnh vụ thử nghiệm này là quan trọng với an ninh quốc gia.
"Hôm nay, Ấn Độ đã đưa tên mình vào hàng ngũ những siêu cường không gian. Các nhà khoa học của chúng ta đã sử dụng một tên lửa chống vệ tinh để bắn hạ một vệ tinh đang hoạt động trong khu vực nằm cách mặt đất 300 km, nơi được gọi là quỹ đạo thấp của trái đất", ông Modi nhấn mạnh.
Hiện tại, tầm bắn của tên lửa đạn đạo Ấn Độ có thể bao phủ gần như toàn bộ lãnh thổ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Pakistan. Trong quá khứ, Ấn Độ từng có 3 cuộc chiến tranh với Pakistan và một cuộc chiến với Trung Quốc.
Laxman Kumar Behera, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu và phân tích quốc phòng có trụ sở tại New Delhi, nhấn mạnh: "Vụ thử nghiệm có nhiều ý nghĩa với khả năng của đất nước. Ấn Độ giờ đây đã thể hiện được khả năng như một cường quốc hạt nhân và sử dụng không gian để đảm bảo các mục đích quốc phòng của mình".
Trước Ấn Độ, năm 2007, Trung Quốc đã sử dụng một tên lửa đạn đạo liên lục địa để bắn hạ một vệ tinh thời tiết cũ của mình hoạt động ở độ cao 861 km so với mặt nước biển. Nga cũng đã thử nghiệm tên lửa với khả năng bắn hạ một vệ tinh hoặc tên lửa đạn đạo của đối phương.
Chương trình tên lửa vũ trụ của Ấn Độ là một phần trong những nỗ lực chủ trốt của quốc gia này trong việc xây dựng khả năng phòng thủ cũng như khẳng định mình như một trong những cường quốc của thế giới.
Vụ thử nghiệm xảy ra không lâu sau khi Ấn Độ và Pakistan xảy ra những xung đột liên quan tới việc bắn hạ chiến đấu cơ. Sự việc từng khiến thế giới lo ngại về một cuộc chiến nữa hai quốc gia láng giềng nhưng dường như có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây. Cả Ấn Độ và Pakistan đều được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân.
Với dân số hơn 1 tỷ người, Ấn Độ đang là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này vào khoảng 7%. HIện tại, Ấn Độ đang muốn có một ghế trong danh sách Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vốn đang do Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp nắm giữ. Đức, nền kinh tế lớn nhất của châu Âu, dù có nhiều tiếng nói nhưng cũng chưa chính thức được bổ sung vào đội ngũ thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.