Một số quốc gia khi khủng hoảng đang diễn ra họ thường tập trung vào việc cứu giúp các doanh nghiệp và khôi phục sản xuất trong các gói trợ giúp kinh tế. Tuy nhiên, cách làm của Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng thì khác hẳn. Họ dành ưu tiên cao cho những người thu nhập thấp và trung bình. Cách làm này xem ra có vẻ ngược đời. Vấn đề đặt ra là tại sao Mỹ lại làm như vậy?
Những đạo luật liên tiếp chống Covid-19
Ngày mùng 6/3, Tổng thống Mỹ ký đạo luật khẩn cấp đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD. Gói cứu trợ này, ngoài việc tăng cường công tác phòng và ngăn ngừa dịch bệnh, còn có mục đích chính là giúp những người nghèo thu nhập thấp, những người không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm không chi trả việc xét nghiệm Coronavirus thì sẽ được chính phủ chi trả toàn bộ.
Cái này tương đối logic vì những người nghèo là những người dễ bị tổn thương khi bị dịch bệnh tấn công và nếu không có sự can thiệp của nhà nước thì nhiều khả năng dù có bệnh họ cũng không muốn đi xét nghiệm hoặc điều trị vì tốn kém.
Chỉ hơn chục ngày sau, ngày 18/3 Tổng thống Trump lại ký đạo luật thứ hai có tên Family First Coronavirus Response Act (Đạo luật ứng phó với Corona và đặt các gia đình là ưu tiên cao nhất), trị giá trên 100 tỷ USD. Theo đó chính quyền Mỹ lập tức chi trả các khoản tiền cho những người lao động bị mất việc tạm thời, hoặc những người phải nghỉ 14 ngày do bị cách ly hoặc phải chăm sóc người thân trong gia đình bị nhiễm bệnh. Khoản hỗ trợ này giúp trực tiếp các gia đình nghèo và trung lưu có thu nhập từ 133.000 USD trở xuống.
Bên cạnh đó, chính quyền nhiều tiểu bang ở Mỹ cũng cũng đưa ra các đạo luật khắt khe bảo vệ những hộ nghèo - những người dễ bị tổn thương nhất lúc này - như không được phép trục xuất những người đang thuê nhà, nhưng không đủ tiền để chi trả tiền nhà cho đến hết tháng 5/2020, nới lỏng khoảng thời gian nộp thuế và chi trả các loại hóa đơn thanh toán tiền điện, nước, khí đốt...
Và ngay trong tuần này Thượng viện cùng Hạ viện Mỹ phối hợp với Nhà Trắng thảo luận về một dự luật mới để trình Tổng thống Trump gói kích thích kinh tế lớn nhất từ trước đến nay trị giá trên, dưới 1.000 tỷ USD.
Gói kích thích kinh tế mới này dự kiến sẽ phân phát ngày lập tức trong vòng hai tuần khoảng 1.000 USD cho mỗi người lớn đi làm và có khai thuế và 500 USD cho người phụ thuộc. Cũng như hai đạo luật trước đó, đối tượng được nhắm đến của đạo luật mới cũng là những người thu nhập thấp, trung bình và các gia đình trung lưu.
Tất nhiên, phần lớn trong gói giải cứu kinh tế này là nhắm đến hỗ trợ các doanh nghiệp đang khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hàng không, khách sạn nhà hàng các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cũng cảnh báo Quốc hội rằng nếu không không có các gói cứu trợ kinh tế kịp thời thì nước Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái kinh tế và con số thất nghiệp có thể tăng từ mức 3,6% hiện nay lên đến 20% trong thời gian tới.
Ông Mnuchin cũng úp mở, nếu đại dịch Covid-19 không sớm bị dập tắt, nếu kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, thì chính quyền Trump sẽ không ngần ngại tung ra các gói kích thích kinh tế mới thậm chí còn lớn hơn so với gói kinh tế thứ ba này để vực dậy cỗ máy kinh tế lớn nhất thế giới.
Vì sao ông Trump lại nhắm tới người nghèo trong các đạo luật này?
(i) Đây là những thành phần đông đảo nhất trong xã hội, có tích lũy không đáng kể và cũng là những người dễ bị tổn thương nhất trước bất kỳ biến động kinh tế nào theo chiều hướng xấu đi.
(ii) Mỹ đã có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng kiểu này trước đó. Trong cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, những người lao động vốn đã nghèo lại càng trở nên cơ cực gấp bội và đó là lý do chính đưa đến sự ra đời của hệ thống an sinh xã hội (Social Security) được vận hành từ đó đến nay. An sinh xã hội được xem như một cái van đảm bảo cuộc sống bình thường cho bất kỳ người dân Mỹ nào trước các biến động kinh tế.
(iii) Một lý do khác là nếu như cuộc sống của người nghèo không được đảm bảo thì sẽ đưa đến một loạt các bất ổn xã hội và bất công gia tăng: Thất nghiệp tràn lan, tội phạm mặc sức hoành hành, con cái họ tức thế hệ tương lai của nước Mỹ sẽ đói nghèo và thất học cùng với rất nhiều các hệ lụy khác.
(iv) Trong điều kiện kinh tế bình thường, những người đang được cần trợ giúp hiện nay là nguồn lực lao động chính, những người đóng thuế và khách hàng lớn nhất giúp cho nền kinh tế lớn nhất thế giới vận hành trơn tru. Do đó, việc chính quyền trợ giúp họ cũng chính là việc chăm chút và nuôi dưỡng nguồn lực tương lai của nước Mỹ trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế sau khủng hoảng.
(v) Người Mỹ cũng đủ thực dụng để thấy rằng việc đổ tiền vào trợ giúp các doanh nghiệp - trừ những doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, cung ứng các dịch vụ có tính thiết yếu đối với người dân và nền kinh tế - vào lúc này vừa không có hiệu quả, vừa tốn kém, lãng phí nguồn lực quốc gia. Đơn giản là vì có đổ tiền vào hỗ trợ sản xuất thì người dân cũng chẳng có tiền hoặc cũng chẳng thiết tha mua bán gì, như ô-tô hay nhà cửa chẳng hạn, trong lúc khó khăn kinh tế.
(vi) Điều cuối cùng tuy không ai nói ra công khai, nhưng lại được tính toán nhiều nhất đó là yếu tố chính trị.
Những người được trợ giúp hiện nay cũng chính là lực lượng cử tri đông đảo sẽ bỏ phiếu lựa chọn Tổng thống và các nghị sĩ của Hạ và Thượng nghị viện Mỹ trong mùa bầu cử diễn ra vào tháng 11 năm nay. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi thấy màu sắc dân túy in đậm trong các các dự luật và đạo luật này.
Kỳ thực là đang diễn ra một cuộc đua ngầm giữa một bên là Tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hòa với một bên là các nghị sĩ Dân chủ xem ai thực sự "vì dân" hơn ai.
Còn người dân vừa được cưng chiều, vừa rung đùi ngồi phán quyết để chọn các "đầy tớ" - hiện đang "đánh nhau" chí tử, sứt đầu mẻ trán chỉ với mục đích duy nhất là được "lọt" vào mắt xanh của các ông bà chủ... đang chờ giải cứu!
Bài viết được chia sẻ bởi Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Phó tổng thư ký ASEAN. Đại sứ Hoàng Anh Tuấn từng có thời giam đảm trách cương vị Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược, Bộ Ngoại giao. Tiêu đề và sapo bài viết đã được đặt lại.