Tại phiên họp chiều 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày báo cáo về chủ trương đầu tư 3 tuyến cao tốc gồm: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa -Vũng Tàu; Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của nguồn vốn các dự án nói trên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguồn vốn từ tiết kiệm 5% qua chỉ định thầu; nguồn tiết kiệm từ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho Bộ GTVT; vốn địa phương tham gia các dự án đều chưa chắc chắn. “Tôi chưa thấy trình dự án đầu tư lại bảo đáng nhẽ 100 đồng nhưng tiết kiệm được 20 đồng nên chỉ báo cáo tổng mức đầu tư là 80 đồng thôi. Tư nhân cũng chẳng làm thế chứ đừng nói nhà nước. Đếm cua trong lỗ!”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tổng mức đầu tư 3 tuyến cao tốc trên khoảng 84.463 tỷ đồng, trong đó giai đoạn từ này tới năm 2025 cần khoảng 67.576 tỷ đồng; năm 2026 khoảng 16.887 tỷ đồng.
Bộ GTVT đề xuất các dự án trên được áp dụng cơ chế chỉ định thầu, giá trúng thầu tiết kiệm 5% so với dự toán, nên giai đoạn tới năm 2025 tổng vốn đầu tư chỉ còn khoảng 65.269 tỷ đồng (tiết kiệm hơn 2.307 tỷ đồng).
Trong đó, nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ của Bộ GTVT khoảng 26.147 tỷ đồng; nguồn từ rà soát, cắt giảm, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT khoảng 7.300 tỷ đồng; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 9.620 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia khoảng 8.406 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng.
Cụ thể, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng, trong đó giai đoạn tới năm 2025 cần khoảng 17.553 tỷ đồng, năm 2026 cần khoảng 4.382 tỷ đồng.
Do chỉ định thầu tiết kiệm 5%, nên tổng vốn đầu tư giai đoạn tới năm 2025 giảm còn khoảng 16.845 tỷ đồng (giảm 708 tỷ đồng). Trong đó, vốn đầu tư công trung hạn khoảng khoảng 6.539 tỷ đồng; vốn rà soát lại từ kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT khoảng 1.976 tỷ đồng; vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 2.320 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Đắk Lắk tham gia khoảng 916,5 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa tham gia khoảng 348,5 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 4.745 tỷ đồng.Cụ thể, Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư khoảng 21.935 tỷ đồng, trong đó giai đoạn tới năm 2025 cần khoảng 17.553 tỷ đồng, năm 2026 cần khoảng 4.382 tỷ đồng.
Năm 2026 sử dụng vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư khoảng 17.837 tỷ đồng, trong đó giai đoạn tới năm 2025 cần khoảng 14.270 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 3.567 tỷ đồng. Qua chỉ định thầu tiết kiệm 5% so với dự toán, nên tổng mức đầu tư còn khoảng 13.938 tỷ đồng (giảm 332 tỷ đồng).
Cụ thể, nguồn vốn thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được phân bổ cho dự án khoảng 5.360 tỷ đồng; khoảng 1.256 tỷ đồng từ rà soát, cắt giảm, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn; vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 3.500 tỷ đồng; ngân sách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia khoảng 670 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai tham gia khoảng 2.648 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 504 tỷ đồng.
Năm 2026 sử dụng vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1): Tổng mức đầu tư khoảng 44.691 tỷ đồng, trong đó giai đoạn tới năm 2025 khoảng 35.753 tỷ đồng, năm 2026 khoảng 8.938 tỷ đồng.
Nhờ áp dụng cơ chế chỉ định thầu tiết kiệm 5% vốn dự toán, nên tổng mức đầu tư giảm còn khoảng 34.486 tỷ đồng (giảm 1.267 tỷ đồng). Trong đó, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này đã bố trí cho Bộ GTVT khoảng 14.248 tỷ đồng; khoảng 4.068 tỷ đồng từ rà soát, cắt giảm cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ GTVT; vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khoảng 3.800 tỷ đồng; vốn ngân sách các địa phương gồm An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng khoảng 1.000 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang khoảng 823,5 tỷ đồng; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 8.547 tỷ đồng.
Vốn năm 2026 sử dụng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.