Đề cập đề án tăng phí dừng đỗ ô tô, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng việc chia thành hai khu vực khác nhau để áp mức phí cao hay thấp là chưa đảm bảo công bằng vì có nhiều tuyến đường ở trung tâm thành phố nhưng mật độ giao thông không cao, lẽ ra phải nộp phí thấp, trong khi nhiều con đường ở các quận ven mật độ rất cao đáng ra phải chịu mức phí cao hơn.
“Nên tính mức phí theo từng tuyến đường căn cứ vào các tiêu chí như mật độ lưu thông; trên đường có bãi giữ xe không… Những tuyến đường không có bãi xe phải tính phí vừa phải. Tăng phí để hạn chế ô tô là đi ngược xu thế phát triển”, bà Thúy nói.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết đã đề xuất UBND TPHCM thu phí dừng đỗ ô tô theo giờ và bằng công nghệ thông minh trên 35/42 tuyến đường được phép thu phí nhằm khắc phục lối thu thủ công và mức phí cũ quá thấp (5.000 đồng/ngày/phương tiện).
“Trong quá trình triển khai, nếu phát sinh các tuyến đường mới thì TPHCM sẽ căn cứ theo khu vực để áp mức phí. Việc thu theo hai khu vực như hiện nay là phù hợp và thống nhất”, ông Cường nói.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lưu ý: “Nhiều chuyên gia đặt ra việc thu phí theo tuyến đường. Phân theo khu vực như Sở đề xuất dễ quản lý, không rối nhưng chắc chắn là chưa hợp lý và công bằng”.
Đề án nâng thu nhập: Tranh cãi
Theo đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang, việc đánh giá cán bộ (để làm căn cứ nâng thu nhập) tại hầu hết các cơ quan đơn vị hiện nay mỗi năm làm một lần vào dịp cuối năm và còn rất hình thức, chiếu lệ, dĩ hòa vi quý, không sát thực tế.
Một số đại biểu cũng chỉ ra cùng một vị trí công việc nhưng ở cơ quan này làm nhiều, cơ quan kia làm ít nên phải có quy chuẩn riêng của từng đơn vị. Đại biểu Trần Thanh Trí lo ngại việc triển khai đề án này dẫn đến sự so bì giữa các vị trí và bất bình đẳng giữa cấp cơ sở, phường xã và cấp sở ban ngành, quận huyện.
“Nhiều cán bộ nghe Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 rất phấn khởi vì có thêm một khoản thu nhập tăng thêm nhưng cần làm sao cho công bằng”, ông Trí nói.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm, nâng thu nhập cho công chức viên chức không cào bằng, phải đi đôi với nâng cao hiệu quả công việc và tinh gọn bộ máy. Sắp tới TPHCM sẽ có hướng dẫn đánh giá cán bộ để việc nâng thu nhập hiệu quả, công bằng.
Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ. Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang nói TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh và thực hiện 7 chương trình đột phá, chủ trương thu hút nhằm tận dụng chất xám của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực mà TPHCM đang rất cần như công nghệ sinh học, công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ nano… là chủ trương rất đúng đắn.
Tuy nhiên, dưới góc độ một chuyên gia, ông Quang lưu ý vấn đề quan trọng không phải là các chính sách đãi ngộ (hỗ trợ ban đầu từ 80-100 triệu đồng/người, lương chuyên gia cao cấp, chính sách hỗ trợ nhà ở, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân…) mà phải tạo cơ chế cho các chuyên gia hoạt động hiệu quả.
“Nếu thủ tục như hiện nay sẽ rất khó thu hút các chuyên gia giỏi”, ông Quang cảnh báo.
Một số đại biểu cho rằng các chuyên gia, nhà khoa học nếu đang làm việc trong nước thì thường đang giữ một vị trí công việc tại một cơ quan và rất bận rộn, nhất là những người đang làm việc tại các viện, trường đại học và nếu muốn tham gia công việc mới của thành phố thì phải có sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan nơi làm việc.
Ngoài ra, TPHCM đã và đang có chương trình đào tạo 300 và 500 thạc sỹ, tiến sỹ, chính sách đãi ngộ phải đảm bảo không tạo ra sự chênh lệch quá lớn giữa các chuyên gia. Một số ý kiến cho rằng thay vì giảm 50% thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, TPHCM nên có chính sách đãi ngộ xứng đáng và để các nhà khoa học thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.
Đại biểu Trần Thị Tuyết Hoa (Cục thuế TPHCM) lưu ý việc miễn giảm thuế thu nhập cá nhân sẽ vướng Luật thuế thu nhập cá nhân mà thẩm quyền quyết định ngoài tầm HĐND TPHCM.
Hôm nay (16/3), kỳ họp sẽ xem xét điều chỉnh và biểu quyết thông qua Nghị quyết các tờ trình về thực hiện cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.