Trong năm 2021, Ban kinh tế Trung ương đã hoàn thành 3 đề án trình Bộ Chính trị bao gồm: Đề án đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2020 và Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Trên cơ sở yêu cầu bức thiết của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương về việc sửa đổi Luật đất đai năm 2013, tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chính sách, pháp luật đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài thực hiện các đề án đã trình, Ban Kinh tế Trung ương chủ động nghiên cứu, xây dựng một số báo cáo chuyên đề như: Chiến lược "Vòng tuần hoàn kép" của Trung Quốc và một số hàm ý chính sách đối với Việt Nam; Đánh giá về Chiến lược thương mại mới của EU; Tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm 2021 và kiến nghị một số giải pháp.
Năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã có 191 lượt phối hợp thẩm định, tham gia ý kiến đối với các đề án, dự án, dự thảo, báo cáo. Điển hình như đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm bền vững đến năm 2030; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương cũng đã tham gia nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Vấn đề Mỹ đánh giá Việt Nam thao túng tiền tệ.
Trong năm 2021, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu về chuyển dịch cơ cấu năng lượng và phát triển hạ tầng năng lượng hiệu quả, bền vững phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nghiên cứu về vấn đề quản lý lao động phi chính thức.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục nỗ lực để cùng cả hệ thống chính trị cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Đặc biệt, trong năm năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương sẽ trình Ban Chấp hành Trung ương 3 đề án quan trọng là đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; và chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Năm 2022, tập trung hoàn thành các đề án hướng đến phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030. Tăng cường đổi mới, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối về kinh tế - xã hội. Chủ động nghiên cứu, thẩm định các đề án, cáo buộc thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xem xét, quyết định những đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu kinh tế quốc tế và hội nhập quốc tế; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Xây dựng Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể cơ quan trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.