Bộ Công Thương khẳng định đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt (theo phương án 5 bậc thang, thay vì 6 bậc như hiện nay) để thay thế cho Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ (đã ban hành từ ngày 7/4/2014).
Tuy nhiên trong những ngày gần đây, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện năng cũng cho biết, đang nghiên cứu phương án “1 giá điện” song song với phương án biểu giá điện bậc thang để cho người dân được quyền lựa chọn.
Việc đề xuất cùng lúc tồn tại 2 phương án biểu giá điện như vậy liệu người dân được hưởng lợi hơn không? Những vấn đề gì đặt ra sau đề xuất này… là nội dung trao đổi giữa phóng viên VOV với PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp Bộ môn Kinh tế công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
PV: Đại diện Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu tính toán thêm phương án “một giá điện”, nếu được thông qua thì sẽ có song song 2 cách tính giá điện để khách hàng có thêm lựa chọn. Ông có nhận xét gì về kế hoạch này của Bộ Công Thương?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Đến thời điểm này, phương án đồng giá bên cạnh giá điện bậc thang để người tiêu dùng có thể lựa chọn mới chỉ nằm trong nghiên cứu của Bộ Công Thương, chứ chưa thành một đề xuất chính thức.
Tuy vậy tôi cho rằng, kế hoạch này của Bộ Công Thương có ý tưởng xuất phát từ thực tế diễn ra trong thời gian qua khi biểu giá điện bậc thang được áp dụng. Những ý kiến từ dư luận liên quan đến sai sót trong quá trình triển khai; hóa đơn tiền điện tăng cao vào mùa Hè do hiệu ứng bậc thang buộc các nhà quản lý phải suy nghĩ về các phương án giá điện mới. Ý tưởng điện 1 giá với kỳ vọng khắc phục được 2 nhược điểm này của biểu giá bậc thang.
Tuy vậy, dưới góc độ nghiên cứu của mình tôi cho rằng, khi xây dựng biểu giá điện cho đối tượng khách hàng cụ thể thường phải có các mục tiêu định giá. Phương án đồng giá có thể đơn giản trong áp dụng, sai sót trong đo đếm sẽ ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhưng các mục tiêu quan trọng khác như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng đặc biệt là với sản phẩm điện năng hay sử dụng hiệu quả tiết kiệm điện sẽ khó đạt được với phương án đồng giá.
PV: Nếu sau đây hình thành 2 phương án tính giá điện, theo ông người dân sẽ được lợi gì, đặc biệt là những hộ có chỉ số tiêu thụ điện năng hàng tháng cao trên 400 kWh?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Nếu phương án tồn tại đồng thời 2 loại biểu giá được chính phủ chấp thuận, rất dễ dàng nhận ra các hộ tiêu dùng ít sẽ chọn biểu giá bậc thang để hưởng các mức giá thấp, các hộ tiêu dùng điện nhiều đương nhiên sẽ lựa chọn phương án đồng giá để tránh hiệu ứng bậc thang làm tăng hóa đơn tiền điện của họ.
Tuy vậy, từ mức sản lượng nào trở lên để lựa chọn phương án đồng giá sẽ tốt cho người tiêu dùng lại hoàn toàn phụ thuộc vào mức đồng giá được xây dựng, mức đồng giá cao, sản lượng tiêu dùng cũng phải càng lớn thì lựa chọn này mới hiệu quả và ngược lại.
Đặc biệt, nếu điện sinh hoạt chỉ có 1 mức giá sẽ rất nhàn cho EVN trong quá trình triển khai, tuy vậy 1 mức giá cũng đồng nghĩa với việc hộ nghèo và người giàu trả cùng 1 mức giá điện. Như vậy đồng nghĩa với việc mục tiêu chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước trong giá điện không được thực thi, và nếu chỉ có 1 giá thì có tới 80% số hộ tiêu dùng sẽ trả giá cao hơn so với giá bậc thang hiện nay.
Còn nếu có thêm phương án đồng giá song song với giá bậc thang, xin hãy hiểu đó là mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng chứ ko phải là đẩy thế khó sang cho người dân.
Nếu như đưa ra 2 loại biểu giá mà cả người tiêu dùng ít cũng có lợi, người tiêu dùng nhiều cũng có lợi do có sự lựa chọn thì chắc chắn rằng cân bằng tài chính của EVN sẽ gặp vấn đề. Vì vậy, về mặt nguyên lý đồng giá rất đơn giản, nhưng là bao nhiêu, cơ chế áp dụng như thế nào là một vấn đề bộ cần nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm hài hòa lợi ích hộ tiêu dùng và cân bằng tài chính cho ngành điện.
PV: Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về dự định xây dựng song song 2 phương án giá bán lẻ điện. Đặc biệt với đặc thù thời tiết của Việt Nam ảnh hưởng rất lớn đến sự thay đổi lượng điện sinh hoạt. Vậy theo ông, kịch bản để xây dựng phương án điện 1 giá sẽ như thế nào để áp dụng cho phù hợp?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Như tôi đã trình bày ở trên, đến thời điểm này thông tin về đề xuất thêm biểu giá mới bên cạnh giá điện bậc thang mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở mức nghiên cứu của Bộ.
Xin lưu ý rằng, nếu quyết tâm triển khai thì đây là đề xuất một loại biểu giá hoàn toàn mới, không phải là cải tiến từ biểu giá đã sẵn có. Vì vậy, ngoài mức giá đề xuất là bao nhiêu thì đi kèm với nó phải là toàn bộ hành lang pháp lý liên quan đến việc tổ chức thực hiện. Bộ Công Thương đề xuất phương án chi tiết sẽ xây dựng được hành lang pháp lý đầy đủ để quá trình triển khai không gặp những khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, như tôi đã đề cập, hành lang pháp lý quyết định sự linh hoạt trong lựa chọn của người tiêu dùng. Bộ Công Thương cần có các nghiên cứu toàn diện, đưa ra các kịch bản áp dụng đồng thời 2 loại biểu giá để các mục tiêu lợi ích của người tiêu dùng và cân bằng tài chính cho doanh nghiệp điện lực được đảm bảo hài hòa.
PV: Trên thế giới hiện nay, có quốc gia nào đã và đang áp dụng phương án giá điện song hành cả biểu giá lũy tiến/bậc thang và biểu giá điện theo 1 giá như Bộ Công Thương đang xây dựng không?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Việc mở rộng sự lựa chọn cho người tiêu dùng bằng các biểu giá phù hợp với đặc điểm của họ thì có rất nhiều nước áp dụng, như ở Pháp hay các nước trong khu vực, nhưng nó đều dựa trên nguyên tắc phản ánh sát thực nhất chi phí mà hộ tiêu dùng gây ra cho hệ thống điện.
Nói cách khác họ đưa ra các gói sản phẩm với biểu giá khác nhau tương ứng với từng đặc điểm tiêu dùng của hộ tiêu dùng điện vì thế mở rộng lựa chọn cho người tiêu dùng là phù hợp nhìn nhận cả hai phía: Sản xuất và hộ tiêu dùng. Còn phương án giá điện bậc thang song song với đồng giá để người tiêu dùng lựa chọn, tôi cho rằng nó không cùng cách tiếp cận như các nước thường làm.
Ý tưởng này được đưa ra có lẽ phần nhiều đến từ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai giá điện bậc thang vào mùa Hè, vấn đề mà từ 3-4 năm nay năm nào chúng ta cũng gặp phải. Với những đặc trưng kinh tế kỹ thuật vô cùng khác biệt của ngành điện và sản phẩm điện năng, giá điện đồng giá thực chất là sự cào bằng chi phí, là một phương án rất ít được lựa chọn khi nó không đặt được các mục tiêu định giá ngoại trừ việc áp dụng là đơn giản.
Nếu điện sinh hoạt chỉ có 1 giá, sẽ có tới 80% số hộ tiêu dùng sẽ trả giá cao hơn so với giá bậc thang hiện nay. |
Trên thế giới hiện nay, từ những nước phát triển đến các nước đang phát triển mà chúng tôi có dịp tổng kết, có nhiều biểu giá điện cho các khách khàng có tính chất tiêu dùng khác nhau. Nguyên tắc chung đều là phản ánh chi phí cung ứng, không có hoặc rất ít bù chéo, vì thế sự khác biệt lớn nhất giữa giá điện Việt Nam và giá điện của các nước.
Cụ thể là đến thời điểm này chúng ta chỉ có giá điện 1 thành phần cho điện năng tiêu dùng, trong khi hầu hết các nước cơ cấu giá đều là giá điện 2 thành phần, phần trả cho công suất đăng ký và phần trả cho điện năng tiêu dùng. Xin lưu ý rằng, một quá trình cung ứng điện là đồng thời cả 2 yếu tố, công suất và năng lượng.
Tôi xin lấy một ví dụ nhỏ để chỉ ra sự khác nhau này: Có 2 hộ tiêu dùng cùng sử dụng 24 kWh/ngày nhưng sử dụng điện theo cách khác nhau, một hộ dùng 24kW nhưng trong 1 giờ; một hộ dùng 1 kW trong 24h. Nếu giá điện 1 thành phần thì 2 họ trả cùng 1 mức hóa đơn, nhưng rõ ràng chi phí 2 hộ này gây ra cho hệ thống điện là hoàn toàn khác nhau. Đây là hạn chế lớn nhất của hệ thống giá điện hiện hành ở Việt Nam.
PV: Với những phân tích vừa rồi của ông thì Chính phủ, Bộ Công Thương cần làm gì để có được một biểu giá điện phù hợp và ưu việt nhất?
PGS.TS Bùi Xuân Hồi: Tôi nghĩ hạ tầng kỹ thuật của ngành điện đã tốt hơn rất nhiều, điều đó có nghĩa là chúng ta đã có thể áp dụng các loại biểu giá phù hợp hơn, ưu việt hơn các biểu giá chỉ có 1 thành phần điện năng như hiện nay.
Tuy nhiên, sự chấp nhận một biểu giá mới là không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng, vì vậy Chính phủ, Bộ Công Thương cần có một lộ trình cụ thể để có những thay đổi mang tính đột phá về xây dựng và áp dụng biểu giá điện mới mà cụ thể đó là các loại biểu giá 2 thành phần.
Nếu cứ loay hoay với các cải tiến bậc thang 3 bậc, 4 bậc, 5 bậc hay đồng giá sẽ không làm thay đổi được những hạn chế của giá điện 1 thành phần và cứ đến mùa Hè, vấn đề giá điện lại nóng dần theo nhiệt độ của thời tiết như chúng ta đã quan sát trong nhiều năm qua.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!./.