Bán mảng logistics và Cảng Đồng Nai
Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, HoSE: GEX ) đã quyết định sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics, dự kiến diễn ra trong quý II-III. Công ty con này hiện có vốn điều lệ 1.210 tỷ đồng do Gelex sở hữu 100%.
Cấu trúc mảng kinh doanh logistics của Gelex.
Gelex Logistics có 2 nhánh hoạt động là vận hành công ty Kho vận miền Nam (Sotrans, HoSE: STG ), thông qua đơn vị này cũng gián tiếp sở hữu cổ phần Sowatco, Vietranstimex, Xây lắp Công trình, Cảng miền Nam… Công ty còn đầu tư hạ tầng tại 2 trung tâm logistics tại Hà Nội (20ha) và TP HCM (50ha).
Theo báo cáo năm 2019, mảng logistics ghi nhận tổng doanh thu tăng 4% đạt 1.835 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế lại giảm 22% còn 122 tỷ đồng, do giảm doanh thu tài chính và lãi trong công ty liên kết. Nếu loại trừ yếu tố này thì lợi nhuận vẫn tăng 18%.
Dù vậy, Gelex cho biết mảng logistics chịu tác động rủi ro đặc thù liên quan đến chuỗi giá trị trong ngành. Theo đó, hoạt động logistics chuyên nghiệp đòi hỏi phải tích hợp được hàng loạt các dịch vụ vận tải giao nhận thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thành một chuỗi liên tục để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển trọn gói từ nhà sản xuất - vận tải - người tiêu dùng, tuy nhiên thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng.
Cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics cũng chưa hoàn chỉnh. Đặc biệt, do đặc thù ngành áp dụng cước phí dịch vụ chủ yếu bằng ngoại tệ, vì vậy công ty thường xuyên đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh.
Công ty Giao nhận và vận chuyển In Do Trần (ITL Logistics) gần đây thông báo mua lại 58,2% cổ phần Sotrans để tăng nắm giữ lên 100%, theo đó bắt buộc phải mua cổ phần từ Gelex Logistics. Khả năng lớn nhất là Gelex sẽ bán mảng này cho đại gia logistics In Do Trần.
Hiện Gelex chưa công bố đối tác chuyển nhượng và mức giá. Tuy nhiên, với vị thế lớn của Sotrans, hạ tầng có sẵn và lợi nhuận hơn trăm tỷ đồng mỗi năm, giá trị thoái vốn sẽ khó dưới giá vốn đầu tư.
Ngoài ra Gelex còn quyết định bán toàn bộ 20,25% vốn tại CTCP Cảng Đồng Nai (HoSE: PDN) dù mới mua vào hồi tháng 4/2019. Với thị giá 64.000 đồng/cp, số tiền thoái vốn dự kiến hơn 240 tỷ đồng.
Gelex sử dụng nguồn tiền vào đâu?
Bán mảng logistic – một trong 4 nhóm kinh doanh chính của Gelex và Cảng Đồng Nai sẽ mang về giá trị lớn và sử dụng nguồn tiền này vào đâu sẽ là một dấu hỏi. Việc gửi ngân hàng để hưởng lãi suất khó là ưu tiên của Gelex do công ty duy trì chính sách tiền gửi ngắn hạn/tài sản ngắn hạn khá thấp và có xu hướng giảm dần. Tại 31/3, tỷ lệ này chỉ là 1,6% với giá trị tiền gửi 153 tỷ đồng.
Khả năng Gelex mang số tiền vào đầu tư sẽ cao hơn khi công ty định hướng tăng trưởng trong kinh doanh và tiếp tục đầu tư vào các thương vụ chiến lược, mua bán các công ty có thể tạo ra giá trị cộng hưởng lớn với hệ thống hiện tại.…
Năm 2019 và đầu năm 2020, Gelex vẫn đầu tư cho mảng chủ lực thiết bị điện khi tăng sở hữu Cadivi từ 91,6% lên 95,8%, tăng sở hữu Điện cơ Hà Nội từ 66,2% lên 77%, Thibidi tăng tỷ lệ từ 78,5% lên 83,9%... Ngoài ra còn thành lập nhiều công ty trong lĩnh vực năng lượng cũng như mua thêm 20% cổ phần Cảng Đồng Nai.
Tuy nhiên, thương vụ dang dở đáng chú ý nhất của Gelex phải kể đến là mua cổ phần Viglacera (HoSE: VGC). Hiện công ty nắm giữ gần 25% sau khi đấu giá thành công một phần lô cổ phần thoái vốn của Bộ Xây dựng đầu năm 2019.
|
Các khoản đầu tư liên doanh liên kết của Gelex tại 31/3. |
Trong báo cáo thường niên năm 2020, Gelex cho biết tiếp tục đầu tư để có thể sở hữu trên 50% cổ phần Viglacera. Trên cơ sở này Gelex sẽ đẩy mạnh lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ tiện ích xung quanh khu công nghiệp.
Việc phát triển lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp sẽ bao gồm cả hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, nhằm tăng sự hấp dẫn của các khu công nghiệp. Đồng thời, tại các khu vực lân cận khu công nghiệp, các dự án nhà ở giá rẻ, phù hợp với người lao động địa phương cũng sẽ được nghiên cứu đầu tư nhằm tận dụng tiềm năng của phân khúc thị trường này.
Năm ngoái Viglacera ghi nhận doanh thu tăng 15% đạt 10.146 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 14% lên 759 tỷ đồng. Kết quả khả quan đến từ tăng trưởng của nhóm gạch ốp lát và đóng góp lớn hơn của mảng khu công nghiệp.
Gelex muốn đầu tư nắm trên 50% vốn Viglacera để phát triển sản xuất công nghiệp và bất động sản công nghiệp. |
Với tỷ lệ gần 25% và việc muốn mua chi phối trên 50%, Gelex sẽ phải mua thêm hơn 25% vốn của Viglacera. Trong đợt mua VGC trước đây, Gelex đã phải chi ra số tiền lên đến 2.440 tỷ đồng.
Báo Đầu tư giữa tháng 2 cũng đưa tin Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục các bước thoái vốn Nhà nước còn lại tại Tổng công ty Viglacera trong năm 2020. Hiện phần vốn Nhà nước tại Viglacera sau các đợt thoái vốn chỉ còn 38,85%.
Tăng cường thâu tóm nhưng cũng phải lưu ý rằng Gelex đang đối mặt với rủi ro nợ vay tăng mạnh. Tính tại thời điểm 31/3, tổng vay nợ tài chính là 9.694 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản là 43%, còn tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 112%.