Những bước chăm sóc da đã và đang trở nên cực kỳ quan trọng đối với việc "vươn tới" cái đẹp, một số người Hàn Quốc còn kiếm được số tiền khổng lồ khi khách hàng dành sự quan tâm sâu sắc với việc làm đẹp. Các ngân hàng và những nhà sản xuất mỹ phẩm trên thế giới đã bị thu hút bởi tiềm năng sinh lời của lĩnh vực này.
Tháng 10 năm ngoái, Goldman Sachs đã mua 5% cổ phần trong công ty GP Club của Kim Jung-woong trong một thoả thuận trị giá 67 triệu USD, góp phần đưa mức định giá của nhà sản xuất các sản phẩm làm đẹp này lên tới 1,3 tỷ USD. Về phần Kim, ông và gia đình nắm giữ 95% còn lại. Trong một cuộc phỏng vấn, Son Moon-ho, CEO của GP Club, cho biết Goldman Sachs nói với công ty mỹ phẩm rằng họ đã rất quan tâm và theo dõi sát sao thị trường mỹ phẩm.
Vào năm 2017, Tập đoàn Unilever đã chi 2,27 tỷ euro (2.6 tỷ USD) để mua lại hầu hết cổ phần của "gã khổng lồ" mỹ phẩm Hàn Quốc Carver Korea, mua cổ phần từ Goldman, Bain Capital và nhà sáng lập Lee Sang-rok. Unilever cho biết doanh thu năm 2016 của Carver là 321 triệu euro (381 triệu USD) với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là 137 triệu euro. Ngoài ra, hồi tháng 10, Credit Suisse mua khoảng 3% cổ phần của L&P Cosmetic, nhà sản xuất dòng mặt nạ "đình đám" Mediheal, với giá khoảng 40 tỷ won (35,6 triệu USD).
Theo Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc, nước này là nhà xuất khẩu mỹ phẩm lớn thứ 6 thế giới trong năm 2017. Hơn nữa, thị trường này còn tiếp nhận 4,6 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm của năm 2018, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc.
Tận dụng lợi thế từ chiến tranh thương mại
Quay trở lại với Kim của GP Club, ông bắt đầu sự nghiệp trong ngành công nghiệp làm đẹp bằng việc bán buôn các sản phẩm cho Trung Quốc và ra mắt thương hiệu của riêng mình vào năm 2016 là JM Solution. Công ty này khởi sắc ngay từ khi chỉ là "ma mới" trong ngành, nhanh chóng nổi tiếng trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Alibaba.
Tuy nhiên, sau đó, thị trường làm đẹp của Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị. Năm 2017, Hàn Quốc cho phép quân đội Mỹ cài đặt Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (Thaad) nhằm ngăn chặt mối đe doạ từ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bắc Kinh cho rằng đây là một động thái ảnh hưởng đến quyền lợi đảm bảo của họ và các cơ quan truyền thông nhà nước kêu gọi người dân tẩy chay các sản phẩm của Hàn Quốc.
Cửa hàng JM Solution tại khu Myeongdong Hàn Quốc.
Khi những căng thẳng ở giai đoạn "nóng" nhất, GP Club đã tận dụng được vị thế của mình là một thương hiệu thương hiệu nhỏ và mới ra mắt. Ông Son Moon-ho, CEO của công ty, cho biết: "Ở thời điểm đó chúng tôi chưa được biết đến nhiều, vì vậy chúng tôi không phải chịu những tổn thất nhiều như các thương hiệu lớn. Chìa khoá để vượt qua các đối thủ là mở rộng các kênh bán hàng khi bước đi của họ đang chậm lại."
Theo đó, công ty này đã cho ra mắt một loại sản phẩm mới, đó là mặt nạ sáp ong Honey Luminous Royal Propolis Mask và mở rộng kinh doanh ra các cửa hàng miễn thuế của hàn Quốc. Mức giá phải chăng của GP Club đã thu hút được rất nhiều "daigou" (những người bán hàng trung gian, mua về để bán cho khách hàng ở Trung Quốc), giúp người tiêu dùng Trung Quốc có cơ hội được tiếp cận với mặt hàng chất lượng tốt với giá thành hợp lý hơn.
Son cho hay, GP Club định hình được thói quen tiêu dùng đó và doanh số tiếp tục tăng cao, bán được 9,5 triệu chiếc mặt nạ trong tháng 12/2017 và đạt số lượng kỷ lục là 100 triệu chiếc vào tháng 8/2018. Doanh thu của công ty này đạt 300 tỷ won vào nửa đầu năm ngoái, tăng 50 tỷ so với năm 2017. Và Goldman đã bị thu hút bởi khoản lời khổng lồ này.
Son nói: "Không rõ là liệu thương hiệu nào hưởng lợi sau vấn đề Thaad, nhưng chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng rõ rệt."
Sau đó, Trung Quốc cũng đã nới lỏng những hạn chế, loại bỏ quy định không cho phép du lịch theo nhóm sang Hàn Quốc.
Những tỷ phú làm nên điều khác biệt
Khác với nhiều nơi trên thế giới, ở Hàn Quốc, những tỷ phú tự thân lại không hề phổ biến. Trong số 500 người giàu nhất hành tinh, chỉ có 2 trong số 7 người Hàn Quốc là tỷ phú tự thân, theo Bloomberg Wealth Index. Các tập đoàn kinh doanh được điều hành bởi gia đình, còn được gọi là "chaebol", đã góp phần làm đa dạng khoá các ngành công nghiệp, vì thế cơ hội dành cho những đối thủ "tự thân" là không nhiều. Tuy nhiên, ngành công nghiệp làm đẹp là một trường hợp ngoại lệ.
Quầy hàng bày bán các sản phẩm của Dr. Jart+ tại Sephora.
Tại Sân bay Quốc tế Incheon, điều đầu tiên thu hút sự chú ý của các du khách nước ngoài đó là những màn hình rất lớn hiển quảng cáo các sản phẩm của các công ty không nổi tiếng như thế này, chứ không phải Samsung hay những thương hiệu lớn khác.
Lee Jin-wook, nhà sáng lập của Have & Be, nhận định: "Các công ty lớn có nhiều tiềm lực tài chính và cơ sở hạ tầng tốt hơn, nhưng kinh doanh mỹ phẩm đòi hỏi nhiều hơn thế." Đây là công ty sở hữu thương hiệu nổi tiếng nhất là Dr. Jart+, đã bày bán kem dưỡng da và mặt nạ tại các nhà bán lẻ lớn như Sephora. Năm 2015, "gã khổng lồ" ngành làm đẹp Estée Lauder đã mua cổ phần của công ty này nhưng giá trị không được tiết lộ.