Tác động kinh tế không liên quan trực tiếp đến số người mắc bệnh (tỷ lệ mắc bệnh) hoặc tử vong (tỷ lệ tử vong). Nó gần như hoàn toàn phụ thuộc vào tác động gián tiếp từ quyết định mà hàng triệu cá nhân đưa ra để giảm thiểu nguy cơ hội nhiễm virus corona và quyết định của chính phủ về cách mà quốc gia của họ phản ứng với mối đe dọa toàn cầu này.
Điều này có nghĩa là sự bùng nổ virus corona có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tương đối ít người (so với các đại dịch trong quá khứ), nhưng lại là một cú đấm mạnh mẽ lên nền kinh tế toàn cầu hiện nay - một nền kinh tế đang ngày càng có tính liên kết nhiều hơn so với trong quá khứ.
Bài học từ SARS
Chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ SARS, dịch bệnh đầu tiên của thế kỷ 21. Một số chuyên gia cho rằng chúng ta có thể sử dụng phương pháp đánh giá giống như đã làm với dịch SARS trong năm 2002-2003 nếu số người chết do virus corona đạt tới con số giống như với SARS.
SARS là một loại virus corona khác. Nếu virus corona xuất hiện tại Vũ Hán vào cuối tháng 12 từ một chợ động vật, thì SARS cũng có nguồn gốc từ các chợ động vật ở tỉnh Quảng Đông miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002.
Dịch SARS lây lan ra 26 quốc gia chỉ trong vài tuần. May mắn là sau đó dịch bệnh đã được đẩy lùi kịp thời và tương đối nhanh chóng. Cuối cùng, khoảng 8.500 người bị mắc bệnh, với tỷ lệ tử vong là khoảng 11%, dưới 1.000 người chết.
Tất nhiên, dịch SARS đã hủy hoại các nạn nhân và gia đình của họ. Dù vậy thì tác động đến sức khỏe cộng đồng của SARS tương đối hạn chế và ngắn hạn. Tuy nhiên, tác động của nó lên nền kinh tế thì ngược lại. Mặc dù có dưới 10.000 người bị nhiễm virus trực tiếp, nhưng có tới hàng chục triệu người đã thay đổi hành vi của mình để tránh nỗi lo bị lây nhiễm virus.
Phóng đại rủi ro
Những thay đổi trong hành vi này một phần bị thúc đẩy bởi các chỉ thị từ chính phủ, nhưng bị ảnh hưởng phần nhiều bởi các đánh giá cá nhân về rủi ro của dịch bệnh.
Các nghiên cứu hành vi cho thấy các cá nhân thường đánh giá mức rủi ro cao hơn nhiều so với thực tế, rằng chúng rất khủng khiếp và gây ra sự sợ hãi. Do đó, người ta thường cảm thấy bị cá mập tấn công đáng sợ hơn tai nạn giao thông.
Trong một cuộc khảo sát với 705 người ở Hồng Kông ở đỉnh điểm của dịch SARS, 23% số người được hỏi sợ rằng họ có khả năng bị nhiễm SARS. Tỷ lệ nhiễm thực tế chỉ là 0,0026%. Tại Hoa Kỳ, nơi 29 người bị nhiễm bệnh và không có ai chết, 16% số người tham gia khảo sát cảm thấy họ hoặc gia đình của họ có khả năng bị nhiễm SARS.
Những nỗi sợ hãi như vậy đã dẫn đến ảnh hưởng kinh tế mà chúng ta đã quan sát được. Bị ảnh hưởng lớn nhất là các địa điểm vui chơi giải trí (nhà hàng, rạp chiếu phim, quán bar và các club) và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến du lịch trong nước và quốc tế.
Các nền kinh tế như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ở đỉnh điểm của dịch bệnh, lượng khách du lịch quốc tế giảm đáng kể ở bốn quốc gia này. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thiệt hại GDP cho các quốc gia này lên tới 13 tỷ USD.
Tại Bắc Kinh, thiệt hại cho ngành du lịch được ước tính gấp 300 lần chi phí điều trị y tế trực tiếp cho SARS trong thành phố.
Hoảng sợ là thứ dễ lây lan
Chưa bao giờ có một bảng tính toán chính thức về ảnh hưởng của dịch SARS lên nền kinh tế địa cầu, nhưng thông qua những con số mà chúng ta đã biết về SARS trong quá khứ, thì chúng ta có thể ước tính được thiệt hại của virus corona hiện nay. Chính các phản ứng của các chính phủ và cá nhân đối với mối đe dọa liên quan đến virus corona - chứ không phải từ chính virus corona - sẽ gây ra thiệt hại kinh tế lớn nhất.
Chính phủ Trung Quốc đã áp đặt lệnh giới nghiêm bắt buộc đối với hơn 30 triệu người. Có thể hàng trăm triệu người khác đang thay đổi kế hoạch/hành vi của họ một cách tự nguyện hoặc bởi vì họ đang được hướng dẫn để làm điều đó.
Ví dụ như Hồng Kông và các quốc gia khác hiện đang rất ngần ngại với khách du lịch Trung Quốc và công dân của nhiều quốc gia khác được khuyên nên tránh du lịch đến Trung Quốc. Ví dụ, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đã khuyến nghị hủy tất cả các chuyến du lịch không cần thiết đến Trung Quốc, bao gồm các khu vực cách xa Vũ Hán.
Chúng ta chưa hề biết đầy đủ về tác hại thực sự của con virus corona này, mặc dù bằng chứng sơ bộ cho thấy tỷ lệ tử vong của nó thấp hơn nhiều so với SARS. Nhưng với các phương tiện truyền thông xã hội, sự hoảng loạn cũng có thể lan truyền nhanh hơn và xa hơn so với thực tế.
Ngay cả các phương tiện truyền thông có uy tín cao như The New York Times cũng đã không chứng minh được khả năng miễn dịch đối với chủ nghĩa giật gân, quảng bá những câu chuyện với tiêu đề kịch tính như "Cảnh báo nâng cao: thị trường thì sụp đổ còn số người chết liên tục tăng lên".
Do đó, tất cả chúng ta nên tiếp cận những thông tin đã được kiểm chứng. Ngăn chặn sự phát tán thông tin phóng đại và không chính xác cũng chính là trách nhiệm của chúng ta bên cạnh trách nhiệm hàng đầu là ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh virus corona.