Các cổ phiếu ngân hàng bị bán mạnh trong nhiều phiên gần đây và là lực đẩy chính khiến thị trường lao dốc. Tuy nhiên, nhiều mã lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư tổ chức lớn trong nước, trong đó có ACB.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần, khối lượng lưu hành tính chỉ số, tỷ lệ free - float và tỷ trọng giới hạn vốn hóa của bộ chỉ số HoSE-Index và VNFin Lead.
Theo đó, 6 cổ phiếu ngân hàng lọt vào rổ chỉ số VNFin Lead trong khi HCM bị loại. Ngân hàng Á châu (ACB), Sabeco và GVR được thêm vào danh mục VN30 trong khi TCH, SBT và REE bị loại. Các ngân hàng khác được thêm vào gồm: LPB, MSB, SSB, OCB và VIB.
Theo SSI Research, ACB được thêm vào chỉ số do đã đạt thời gian giao dịch 6 tháng trên HoSE cùng các điều kiện yêu cầu. Sabeco quay lại rổ VN30 do thanh khoản cải thiện đáng kể so với kỳ trước. Trong khi đó, GVR được thêm vào do vốn hóa tự do đã tăng đáng kể và đạt yêu cầu.
Hiện tại, có 3 ETF đang sử dụng chỉ số làm tham chiếu bao gồm VFM VN30, SSIAM VN30, Mirae Asset VN30, với tổng tài sản ước tính khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng.
VNDiamond và VNFinN Select giữ nguyên danh mục cổ phiếu thành phần trong kỳ cơ cấu này. Quỹ VFMVN Diamond ETF với quy mô trên 13.330 tỷ đồng đang sử dụng bộ chỉ số VNDiamond, trong khi không có quỹ nào sử dụng VNFin Select làm chỉ số tham chiếu.
Ước tính, ACB sẽ chiếm tỷ trọng 14% trong rổ VNFinLead, MBB (14,3%), STB (14,4%), TCB (14,8%), VPB (14,8%), LPB (3,5%), MSB (2,2%), OCB (1,1%), SSB (1,4%) và VIB (1,1%).
Theo ước tính, SSIAM VNFinLead ETF sẽ mua vào khoảng 12 triệu cổ phiếu ACB trong kỳ cơ cấu này; đồng thời mua LPB (3,77 triệu cổ phiếu), MSB (2,2 triệu cổ phiếu), OCB (1,1 triệu cổ phiếu), SSB (1,05 triệu cổ phiếu) và VIB (702 nghìn cổ phiếu).
Ngân hàng ACB của nhà ông Trần Hùng Huy phát triển ổn định trong thời gian gần đây sau nhiều năm tái cơ cấu sau sự cố “Bầu Kiên”. Lợi nhuận 6 tháng của ACB tăng 68% và dự phòng toàn bộ nợ cơ cấu.
Cụ thể, ACB ghi nhận lãi 6.400 tỷ đồng trong 6 tháng. NIM có thể giảm 0,5% do việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thu hút thêm khách hàng mới.
Chứng khoán ngày 20/7: Cổ phiếu ACB và 5 cổ phiếu ngân hàng khác lọt chỉ số VNFinLead. |
Trong 6 tháng, ACB của nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9,4%. Ngân hàng này vừa được nâng tăng trưởng tín dụng lên 13,5% cho cả năm. Chi phí dự phòng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 ở mức 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cả năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm, ACB chứng kiến cổ phiếu tăng giá mạnh và ngân hàng này có thêm hàng tỷ USD thời hậu Bầu Kiên. Những bước bứt phá mạnh có thể khiến gia đình nhà ông Trần Hùng Huy thêm giàu có, quyền lực.
Nhà ông Trần Hùng Huy ghi nhận khối tài sản tăng lên tương ứng theo tốc độ tăng giá của cổ phiếu ACB. Chủ tịch Trần Hùng Huy nắm giữ 3,43% cổ phần tại ACB. Mẹ ông Hùng Huy là bà Đặng Thu Thủy là thành viên HĐQT ACB. Trong khi đó, bố ông Hùng Huy là ông Trần Mộng Hùng đã nghỉ.
Trong khi đó, sau khi chuyển lên sàn HOSE, ACB có thể lọt vào một số rổ chỉ số quan trọng như VN30, VN Diamond, VNFIN Lead,... qua đó hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư dài hạn, trong đó có các tổ chức đầu tư nước ngoài.
Trong vài năm gần đây, sau một thời kỳ tái cấu trúc nợ khá mạnh mẽ, các ngân hàng chứng kiến sự búng nổ trở lại với lợi nhuận tăng mạnh, nợ xấu giảm nhanh đang khiến cổ phiếu nhóm này thăng hoa.
Chứng khoán Việt Nam sáng 20/7
Mở đầu buổi sáng 20/7, nhiều cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực giảm khá mạnh có từ các phiên trước đó. Chỉ số VN-Index giảm hơn 6 điểm. Một số cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, dầu khí và hàng không giảm tiếp.
Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu lớn khác hồi phục, trong đó có cả các cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ. Cổ phiếu Thế Giới Di Động tăng trở lại thêm 1.500 đồng sau cú sốc giảm giá vì cáo buộc bán hàng giá cao khi dịch bệnh lan tràn.
Tới 10 giờ sáng, thị trường bắt đầu có tín hiệu hy vọng khi chỉ số có tăng nhẹ.
Theo BSC, sau thông tin giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Nam và Hà Nội, thị trường đã điều chỉnh mạnh. Dòng tiền đầu tư tiếp tục suy yếu khi chỉ có đúng 1/19 nhóm ngành vận động khả quan. Khối ngoại bán ròng trên sàn HSX trong khi mua ròng tại sàn HNX. Thanh khoản thị trường tăng trở lại và độ rộng thị trường tiêu cực phản ánh tâm xu hướng bán mạnh của nhà đầu tư. Với xu hướng như trên, VN-Index có thể vận động trong vùng 1.200-1.280 điểm trong tuần này
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 19/7, chỉ số VN-Index giảm 55,80 điểm xuống 1.243,51 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 15,7 điểm xuống 292,06 điểm. Upcom-Index giảm 2,74 điểm xuống 82,59 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 25,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà