Thương lái vào tận ruộng thu mua rơm tươi được bó cuộn lại thành khoanh tròn nặng khoảng 20-25 kg/bó với giá 30.000 đồng/cuộn, tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/cuộn so với thời điểm năm ngoái.
Rơm khô và tươi được người dân bó lại thành cuộn, bán cho thương lái. Ảnh: I.T
Nông dân cho biết, giá rơm năm nay tăng là do thời gian gần đây rơm được xuất khẩu sang Nhật để làm chiếu và làm thức ăn cho bò nên được nhiều cơ sở thu mua rất cao.
Với giá bán như trên, người tích trữ rơm có thể thu lợi nhuận tiền triệu mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ xã An Ngãi Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Ở địa phương có 10 hộ gia đình thì có đến 8 hộ chăn nuôi bò nên nhu cầu rơm khá lớn. Hiện tại, mỗi ngày tôi dùng xe ba gác chở khoảng 500 cuộn rơm khô đi giao hàng ở địa phương và các xã lân cận như: An Hiệp, Tân Hưng với giá 28.000 đồng/cuộn”.
Các thương lái đang thu mua rơm với giá từ 28.000 - 30.000 đồng/cuộn. Ảnh: NNVN
Không chỉ người tích trữ rơm thu lợi nhuận cao mà các thương lái cũng lợi nhuận không kém, vì chỉ cần đến nơi thu gom rơm, đưa lên xe chở về bán ở Tiền Giang, Bến Tre, các tỉnh miền Đông là mỗi chuyến, thương lái có thể thu lợi nhuận từ tiền chênh lệch hơn 2 triệu đồng.
Theo một số thương lái thu mua rơm, hiện người dân có nhu cầu sử dụng rơm khá lớn nên việc mua bán rơm rất thuận tiện. Do được cuộn gọn gàng, nên có thể sử dụng ghe hoặc xe tải để vận chuyển đến các địa điểm tiêu thụ.
Rơm được cuộn thành từng bó rất dễ dàng vận chuyển. Ảnh: I.T
Nhờ nhu cầu tiêu thụ lớn nên nông dân và thương lái kiếm được tiền triệu từ rơm khô. Không những thế việc sử dụng rơm trong chăn nuôi, ủ giữ ẩm cho cây trồng đã làm giảm bớt ô nhiễm môi trường do thói quen đốt đồng.
Nguồn rơm cuộn nhiều nhất là ở vùng trọng điểm sản xuất lúa trong khu vực như: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ…