Theo thông cáo báo chí công bố ngày 9/2, tập đoàn Masan cho biết đã chi 110 triệu USD để mua thêm 31% cổ phần, qua đó nắm quyền chi phối chuỗi đồ uống Phúc Long với tỷ lệ sở hữu 51%. Với số tiền bỏ ra, Masan đang định giá vốn cổ phần của Phúc Long là 355 triệu USD (tương đương 7.700 tỷ đồng), gấp 5 lần so với hồi tháng 5/2021. Khi đó, Masan đã mua 20% cổ phần Phúc Long với 15 triệu USD, tương đương với mức định giá là 75 triệu USD.
Masan cho biết định giá hiện tại tương ứng mức P/E xấp xỉ 15x dựa trên ước tính lợi nhuận sơ bộ năm 2022. Như vậy, lợi nhuận ước tính trong năm nay của Phúc Long sẽ xấp xỉ 500 tỷ đồng. Đây có thể là con số có thể nói là không tưởng đối với một chuỗi cửa hàng bán đồ uống như Phúc Long. Vì thương hiệu này chỉ mới mở rộng hệ thống và lợi nhuận bật lên từ năm 2019. Trong năm 2020, Phúc Long ghi nhận doanh thu 793 tỷ đồng và lãi sau thuế 34 tỷ đồng, tuy vượt trội so với các thương hiệu trà sữa như TocoToco, Koi Café, Gong Cha, … nhưng chưa so được với mấy "ông lớn" cà phê như Highlands Coffee hay Starbucks. Thế nhưng, ngay cả Highland Coffee cũng chỉ từng lãi kỉ lục khoảng 100 tỷ vào năm 2017.
Theo Masan, kể từ khi nhận được khoản đầu tư từ tháng 5/2021, Phúc Long đã thể hiện được sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life (POL). Masan cho biết, chiến lược này sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Tập đoàn. Masan dự kiến, trong năm 2022, doanh thu Phúc Long sẽ đạt từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk trong Wincommerce cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.
Thương hiệu Phúc Long Coffee & Tea được thành lập từ năm 1968 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng bởi ông Lâm Bội Minh. Đến năm 2012, Phúc Long mới chính thức mở rộng hoạt động trong ngành đồ uống thông qua việc khai trương cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea tại quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Và năm 2019, Phúc Long mở rộng hệ thống từ Nam ra Bắc.
Đến ngày 21/5/2021, Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage được thành lập và sở hữu thương hiệu Phúc Long, khi đó, công ty có vốn điều lệ 260 tỷ đồng, ông Lâm Bội Minh sở hữu 94,5% vốn ban đầu. Hiện tại, vốn điều lệ tăng lên 318,75 tỷ đồng và cả ông Lâm Bội Minh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đều cùng là đại diện pháp luật của công ty.
Nếu như Masan nắm 51% cổ phần và gia đình ông Lâm Bội Minh vẫn đang nắm giữ 49% cổ phần thì có nghĩa gia đình ông Lâm Bội Minh đang nắm khối tài sản 174 triệu USD. Bên cạnh đó, nhiều khả năng ông Minh đã bán một phần lượng cổ phiếu của cá nhân cho Masan ở đợt rót vốn trước.
Mặc dù là chủ sở hữu 1 thương hiệu rất phổ biến nhưng vị doanh nhân 76 tuổi này lại khá kín tiếng. Thương vụ với Masan cũng sẽ đưa ông Minh vào nhóm những doanh nhân gốc Hoa thành công nhất tại Việt Nam bên cạnh những tên tuổi đã nổi tiếng từ lâu như cựu chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành, anh em Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên (Kido), Cô Gia Thọ (Thiên Long)....