Nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn có tiền biết bỏ vào đâu khi đứng giữa “ngã ba đường” trong bối cảnh khó khăn về kinh tế hiện nay do dịch bệnh.
Đầu tư mà không sợ hư hao
Vừa bán hết 20 cây vàng, thu về hơn 1 tỷ đồng, chị Nguyễn Hồng Minh (Ba Đình, Hà Nội) đang tìm kênh đầu tư. Mỗi năm để dành 1-2 cây vàng, tới khi nghe tin vàng lên 60 triệu đồng, chị Minh ôm đi bán. Mua vàng cách đây cả chục năm, giờ chị bán đã có lãi.
Cầm số tiền lớn trong tay, chị Minh khá lo lắng: “Nếu cứ để tiền thế thì sợ mất giá. Còn mua vàng tiếp, giá đã quá cao và khả năng giảm có thể xảy ra”.
Theo chị Minh, cách đây gần 10 năm, giá vàng còn 35 triệu đồng/lượng, chị đã có người rủ mua bất động sản chung. Nhưng vì lo sợ rủi ro, chị vẫn để tiền mua vàng. Hiện, chị bán 10 cây vàng, có thể được 600 triệu đồng nhưng để mua được nhà đất như thời điểm trước đây là điều không thể. “Tình trạng suy thoái ngày càng đáng lo ngại thì bất động sản vẫn được đánh giá là kênh đầu tư - giữ tiền kèm sinh lời an toàn cho khách hàng”, chị rút kinh nghiệm.
Nhà đầu tư quan tâm tới bất động sản thời dịch bệnh |
Giai đoạn 2010-2020, tốc độ tăng giá nhà tại quận Ba Đình, Hà Nội đạt 335%, tốc độ tăng giá nhà tại quận 5, TP.HCM đạt 213%. Trong khi đó, cùng biên độ thời gian, tốc độ tăng giá vàng chỉ đạt 22%, chỉ số VN-Index là 45%.
“Khi chọn được một khu đất ưng ý, tôi thật sự thấy nhẹ người, bởi tiền nhàn rỗi không đầu tư vào đâu lãng phí, mà các kênh đầu tư khác đều trồi sụt, không dám mạo hiểm”, chị phấn khởi nói.
“Thời buổi này kinh doanh hàng quán ăn uống cũng nhiêu khê. Đầu tư vào mảng nào đó cũng không yên tâm bằng mua bất động sản. Vì nhà đất là quyền sở hữu cá nhân hợp pháp hoá. Ví dụ nhà tôi con còn nhỏ anh xã đi làm xa, tôi không thể kinh doanh gì được vì không có thời gian”, chị nói thêm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thái, một nhà đầu tư cho hay, ông vừa giao dịch thành công một căn hộ tại Hà Nội. Ông Thái cho hay, đây là thời điểm tốt để tích lũy bất động sản vì giá đang tốt. Vị này cho biết vẫn đang tìm kiếm thêm các khu khác đề đầu tư trong dài hạn.
“Đầu tư vào chứng khoán hay vàng thì phụ thuộc thị trường khó đoán. Nếu mở công ty để thuê mướn điều hành chẳng khác gì giao tiền cho người. Đầu tư vào bất động sản với số tiền nhàn rỗi không lo mất giá. Không lo bị trộm, không sợ hư hao”, ông chia sẻ.
Nhu cầu đầu tư tăng
Chọn bất động sản là kênh đầu tư tiền nhàn rỗi, trong vòng 2 năm, ông Phạm Văn Tuấn kiếm được hơn 1 tỷ đồng. “Nếu không đầu tư mua bất động sản, với số tiền làm công ăn lương tôi chẳng thể kinh doanh gì khác. Tôi đang loay hoay tìm hướng kinh doanh nhưng thực tế không hề dễ dàng gì”, ông cho biết.
Nhà tư vấn đầu tư bất động sản Trần Minh phân tích, nhà đầu tư có ý định vào thị trường ở thời điểm này thì nên ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm bất động sản có tiềm năng thực sự, bất động sản đã hiện hữu, có thể sử dụng được ngay hoặc nếu đã có dòng tiền thì càng tốt.
Nhiều dự án giá cao vẫn đắt hàng |
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Quản lý cấp cao, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, cho rằng, nếu hạ tầng kết nối tốt, các địa phương phát triển các khu kinh tế mới gắn liền với việc phát triển các khu đô thị quy mô tại các khu đô thị vệ tinh thì khả năng sinh lợi từ các dự án này sẽ thực sự hiệu quả.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, nhận xét, lượng tìm kiếm bất động sản có sự suy giảm trong tháng 3, nhưng bước sang đầu tháng 4 đến nay có sự phục hồi khá nhanh. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người tìm kiếm bất động sản vẫn rất cao kể cả trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Mặc dù còn khó khăn, nhưng thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội hồi phục và phát triển, thể hiện ở các yếu tố như nhu cầu về các loại bất động sản nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh, trong các khu công nghiệp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng,... vẫn còn lớn.
Khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn, các doanh nghiệp có thể dành thời gian này để xem xét lại hoạt động kinh doanh, tập trung cho các dự án khả thi và chứng minh hiệu quả; tập trung vào các vấn đề về nhân sự và đào tạo để tạo đà cho thời gian tới khi thị trường phục hồi.
Bảo An