Bàn về quan điểm "Những người lướt sóng cổ phiếu là ký sinh trùng chứ không phải cổ đông" của Chủ tịch Haxaco

12/04/2022 13:42
"Họ đang là ký sinh trùng, bám vào công ty để kiếm lợi, họ không phải là cổ đông"

Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng Xanh (Haxaco, mã: HAX) diễn ra trong kỳ nghỉ lễ 10/3 vừa qua. Theo tài liệu đã công bố, HAX đưa ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ năm 2022 đạt 212 tỷ đồng, tương ứng tăng 4% so với thực hiện năm 2022.

Đại hội đã thông qua phương án phát hành 49,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, giá bán 12.000 đồng/cổ phiếu, 7,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15% cổ phiếu. Ngoài ra, Haxaco còn phát hành 1,6 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động; 800.000 cổ phiếu thưởng cho cán bộ quản lý đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Năm 2021, dù dịch bệnh nhưng Haxaco đã báo lãi cao nhất lịch sử khi ghi nhận 5.552 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 160 tỷ đồng tăng 28% so với năm ngoái, EPS đạt 3.337 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, một thông tin được nhà đầu tư cùng giới truyền thông đang thảo luận sôi nổi đó là phát biểu về lướt sóng cổ phiếu của Chủ tịch Haxaco Đỗ Tiễn Dũng tại đại hội cổ đông của doanh nghiệp: "Cổ đông nào là những người cùng hướng với công ty trong lúc hoạn nạn, khó khăn, đó mới là cổ đông. Còn cổ đông nào cứ muốn cổ phiếu lên mua 10 bán 50, xong rồi lướt sóng, mang danh nghĩa cổ đông thì hoàn toàn không phải, tôi không định nghĩa đó là cổ đông mà tựa như tay buôn chứng khoán. Họ đang là ký sinh trùng, bám vào công ty để kiếm lợi, họ không phải là cổ đông. Có những người nắm rất nhiều cổ phiếu nhưng họ đâu đến tham dự Đại hội cổ đông, bởi họ đâu quan tâm năm sau như thế nào mà họ chỉ quan tâm đến việc mai giá cổ phiếu có lên không thì họ bán. Đấy là quan điểm của tôi, tôi luôn luôn trân trọng những cổ đông chân chính, nhưng đối với những người lướt sóng cổ phiếu thì không phải là cổ đông".

Theo ông Dũng, sự khác biệt giữa nhà đầu tư và nhà đầu cơ ở chỗ nếu các bạn mua bán thì các bạn là nhà đầu tư, nghĩa là thấp thì mua cao thì bán xong xuống thấp lại mua lại. Còn những nhà đầu cơ lướt sóng họ chỉ chơi một thời gian rồi họ không quay lại nữa. Nhà đầu cơ phải dùng mưu mẹo, dùng lượng tiền rất lớn để đẩy giá cổ phiếu lên sau đó họ bán ra, họ không quan tâm công ty sống hay chết.

Câu nói của Chủ tịch Haxaco rất đáng suy ngẫm vì nó phản ánh một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán đó là lướt sóng cổ phiếu. Đầu tư chứng khoán lướt sóng (Swing Trading) là tận dụng những biến động lên xuống của các cổ phiếu hoặc thị trường trong một khoảng thời gian ngắn để thu về lợi nhuận. Việc lướt sóng có thể cho về lợi nhuận cao nhưng cũng kèm thua lỗ lớn.

Thực tế quan điểm của Chủ tịch Haxaco cũng giống nhiều nhà đầu tư giá trị trên thế giới.

Trên thế giới không hiếm các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp lớn bài xích việc lướt sóng cổ phiếu của các nhà đầu tư. Năm 2022, ông Charlie Munger - Phó chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway, người được mệnh danh là "cánh tay phải" của huyền thoại đầu tư Warren Buffet - một lần nữa đã bày tỏ quan điểm về lướt sóng chứng khoán (day trading) và gọi đây là "hoạt động lý tưởng của sòng bạc".

Chia sẻ tại cuộc họp cổ đông thường niên của Daily Journal – công ty do ông làm chủ tịch, ngày 16/2, Munger nói rằng ông ước không có nhiều nhà đầu tư xem thị trường chứng khoán như một sòng bạc. "Khi tôi còn ở Trường luật Harvard, nhà đầu tư Mỹ hiếm khi giao dịch 1 triệu cổ phiếu một ngày, giờ đây con số này lên tới hàng tỷ. Chúng ta không cần một thị trường có mức thanh khoản như vậy. Mức thanh khoản hiện tại - có nghĩa là dễ dàng bán cổ phiếu để lấy tiền mặt – đã tạo ra một sự dư thừa đáng lo ngại và nguy hiểm cho đất nước. Việc một lượng tiền khổng lồ dịch chuyển mỗi ngày giống như một người say xỉn trong bữa tiệc và không nghĩ gì về hậu quả vậy", tỷ phú 98 tuổi nhận xét.

Quan điểm trên của Chủ tịch Haxaco vốn đề cập đến hai phương pháp đầu tư có thể gọi là hai trường phái đầu tư lớn nhất trên thị trường hiện nay đó là đầu tư giá trị sát cánh cùng doanh nghiệp và đầu tư lướt sóng kiếm tiền dựa vào mua thấp bán cao cổ phiếu của doanh nghiệp.

Đại diện cho trường phái đầu tư giá trị đó chính là nhà đầu tư lỗi lạc nhất thế giới - tỷ phú Warren Buffett. Theo quan niệm của Chủ tịch Berkshire Hathaway về đầu tư: "Giá là cái bạn phải trả. Còn giá trị mới là cái bạn nhận được". Nguyên tắc đầu tư quan trọng nhất của ông là tìm mua và nắm giữ lâu dài cổ phiếu của những công ty có thị giá thấp hơn giá trị nội tại.

Trong khi đó huyền thoại đầu cơ, lướt sóng cổ phiếu là tỷ phú gốc Do Thái nổi tiếng George Soros. Nói về đầu tư, George Soros cho rằng: "Bạn đúng hay anh sai, điều đó không quan trọng, cái chính là bạn kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai". George Soros là bậc thầy trong việc đầu cơ ngắn hạn. Ông tận dụng những xu hướng của thị trường tài chính, những xu thế kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng để tiến hành những thương vụ mua bán trái phiếu, tiền tệ. Ông "đánh cược" vào sự "hỗn loạn" để đem lại những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Ở Việt Nam vẫn tồn tại yếu tố T+3, nên việc lướt sóng tần suất thấp hơn các nước áp dụng T+0 trên thế giới song đó là một phần sự tồn tại của thị trường chứng khoán. Yếu tố thanh khoản cũng chủ yếu đến từ phía nhà đầu tư cá nhân (chiếm hơn 80% giao dịch hàng ngày). Dù tồn tại nhiều trường phái đầu tư nhưng lướt sóng vẫn là một phần không thể thiếu của thị trường chứng khoán.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng sự dễ dàng trong việc sử dụng các ứng dụng giao dịch chứng khoán khiến cho người dùng mất tiền nhiều hơn và nhanh hơn. Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà từng cho biết có tới hơn 95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Một lãnh đạo MBS từng nói về một thống kê ở thị trường chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, từ năm 1992 - 2006, hơn 75% những người lướt sóng trong ngày đều nghỉ đầu tư sau 2 năm. Sau 15 năm, tổng hiệu quả của tất cả các nhà đầu tư trading trong ngày đều thua lỗ. Nếu tính theo hàng năm, thì chỉ 5% nhà đầu tư trading trong ngày có lãi (có thể hôm nay là mình, hôm sau là người khác)… Chỉ 1% nhà đầu tư trading trong ngày kiếm được lãi trong suốt thời gian nghiên cứu.

Công ty cổ phần Đầu tư AF1 cũng từng phân tích rằng nhà đầu tư lướt sóng T+ và thay đổi danh mục liên tục, số đông nhà đầu tư sẽ có kết quả thua lỗ về trung hạn và dài hạn. Thắng lợi lúc đầu nếu có chỉ làm nhà đầu tư lầm tưởng vào khả năng của mình và tiếp tục lún sâu vào sai lầm. Theo AF1 nhà đầu tư chỉ nên chọn cổ phiếu tốt và kiên trì nắm giữ, nếu ham lướt sóng có thể lướt trên danh mục các cổ phiếu này.

Nói về ý kiến của Chủ tịch Haxaco, một số nhà đầu tư trên thị trường cho rằng dù đúng hay sai, lãi hay lỗ thì lướt sóng cũng là một phần không thể thiếu trên thị trường và điều này được Luật Chứng khoán cho phép. Ngay cả bản thân vợ chồng Chủ tịch Haxaco vừa qua cũng đăng ký bán ra cổ phiếu khi giá tăng mạnh 3 lần trong năm qua. Vừa qua, bà Vũ Thị Hạnh - vợ Chủ tịch Haxaco đã bán ra 1,26 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 3. Mới đây ông Dũng cũng đăng ký bán 1 triệu cổ phiếu HAX.

Chủ tịch Haxaco có phân trần: "Tôi đăng ký bán cổ phiếu công khai chứ không bán chui, được thì tôi bán không thì thôi. Lương của tôi không phải quá nhiều, nên khi cần làm việc lớn thì tôi bán. Tôi không muốn úp sọt nhà đầu tư".

Về vấn đề chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 bị nhiều cổ đông phản đối thời điểm đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh: "Năm ngoái chúng tôi quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu vấp phải sự phản đối của rất nhiều cổ đông. Đến ngày hôm nay, những cổ đông phản đối chắc năm nay cũng đã vui vẻ do giá cổ phiếu đã gấp 3 lần, không có lãi suất nào bì kịp. Năm nay, tôi tạm thời đưa ra phương án trả cổ tức 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu".

Thực tế, hồi cuối năm 2021, chúng tôi đã đưa tin về "cơn mưa tiền" ở cổ phiếu đầu cơ khi mỗi ngày cổ phiếu đầu cơ đều tăng trần hàng trăm cổ phiếu tạo nên con sóng thần đầu cơ ở thời điểm đó. Khi đó, ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, một nhà đầu tư sống trên thị trường gần 20 năm nay cho rằng: Thị trường chứng khoán không phải là sòng cờ bạc, nơi mà tiền nhiều át trí tuệ, liều lĩnh lấn kiến thức. Dù đôi khi điều này được xảy ra nhưng không thể kéo dài mãi.

"Với kinh nghiệm 20 năm trên thị trường chứng khoán, tôi nhận thấy dòng tiền dù rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định trong trung và dài hạn. Dòng tiền rất hay thay đổi, chung thủy là sự xa xỉ đối với dòng tiền. Chính vì vậy những yếu tố vĩ mô quyết định xu hướng, nội tại doanh nghiệp quyết định giá cả, vẫn là những điều mang lại sự bền chắc trong đầu tư. Cổ phiếu cơ bản hay đầu cơ, khi quyết định theo hướng nào đều phải hiểu thật rõ cuộc chơi, biết chấp nhận và phải biết cách quản trị rủi ro", ông Điệp nói.

https://cafef.vn/ban-ve-quan-diem-nhung-nguoi-luot-song-co-phieu-la-ky-sinh-trung-chu-khong-phai-co-dong-cua-chu-tich-haxaco-20220412123555572.chn

Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
7 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
6 giờ trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
6 giờ trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
5 giờ trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
5 giờ trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Mì tôm thanh long nhận vốn triệu USD, nhà sản xuất muốn thu 2.000 tỷ đồng
22/10/2024 09:28
Mì thanh long đã tiêu thụ hơn 3 triệu gói mì sau chiến dịch “Lần đầu tiên trái thanh long có trong mì tôm”, các nhà sáng lập tham vọng thu 2.000 tỷ đồng năm 2026.
Nữ đại gia đứng sau chuỗi cafe Katinat sở hữu khối tài sản "khủng" cỡ nào?
13/09/2024 05:42
Theo tìm hiểu của PV, thành công của chuỗi Katinat có sự đóng góp không nhỏ của nữ doanh nhân Trương Nguyễn Thiên Kim - vợ Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt.
VNG bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh
07/09/2024 08:54
Sáng nay (7/9), VNG đã thông báo bổ nhiệm ông Kelly Wong - phó Tổng giám đốc VNG làm quyền Tổng giám đốc thay ông Lê Hồng Minh.
Lộ diện ông trùm đứng sau Black Myth: Wukong: Sở hữu công ty giá trị tỷ đô, lọt danh sách 30 Under 30” của Forbes
05/09/2024 08:40
Cuối cùng, nhân vật đứng sau tựa game đình đám Black Myth: Wukong cũng đã lộ diện.