Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng liên tục mấy năm nay tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) không hoàn thành mục tiêu, việc thoái vốn thì chậm chạp khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) nản lòng, mất niềm tin vào lộ trình phát triển bền vững.
Quy định bất cập, khó bán vốn nhà nước
Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, qua hơn 10 năm hoạt động, SCIC đã tiếp nhận 1.040 doanh nghiệp (DN) và đã bán vốn của 986 DN, thu về gần 37.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá vốn. Đáng kể đến là những thương vụ thành công như: bán 8,73% vốn điều lệ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thu về 20.276 tỷ đồng với giá bán cao hơn 10% thị giá tại thời điểm bán vốn; thoái vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh với mức giá 90.000/cổ phiếu… Như vậy, SCIC đã tối đa hóa lợi ích thu về cho nhà nước, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Điều quan trọng nhất của DN sau cổ phần hóa là phải nâng cao được năng lực quản trị , điều hành của DN (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, dù đạt được kết quả tốt ở những thương vụ đã bán được, SCIC còn gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân là do những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn của SCIC đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định chồng chéo tại nhiều văn bản pháp luật, song chủ yếu chỉ là quy định khung, mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể; hơn nữa quy định hiện hành về bán vốn khác với thông lệ quốc tế khiến khó có thể thu hút được nhà đầu tư tầm cỡ thế giới. |
Theo ông Lê Song Lai, thực tế, quá trình bán vốn đang gặp nhiều vướng mắc phát sinh. Vốn nhà nước phải được bán công khai và phải đạt được 2 mục tiêu: tối đa hóa số tiền thu về cho cổ đông nhà nước và tìm kiếm NĐT chiến lược.
“Về lý thuyết 2 mục tiêu này là đúng nhưng thực tế khó đạt được cả 2 mục tiêu và tạo áp lực lớn cho ban lãnh đạo DN và người ký quyết định bán vốn. Với cơ chế này chỉ đạt được mục tiêu bán vốn với giá cao nhất mà khó đạt được mục tiêu tìm được NĐT chiến lược có năng lực, có kinh nghiệm sẽ đưa DN hoạt động hiệu quả hơn”, ông Lê Song Lai cho biết.
Ngoài ra, vẫn còn thiếu quy định cụ thể về xác định giá cổ phần. Nghị định 32/NĐ-CP quy định giá cổ phần phải tính đúng tính đủ cả giá trị vốn nhà nước đầu tư ra ngoài DN, giá trị số tiền trả thuê đất, giá trị các quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử, giá nhãn hiệu, tên thương mại (nếu có). Nhưng giá trị văn hóa, lịch sử thì định giá như thế nào… lại chưa được quy định cụ thể.
Trong khi đó, xác định giá khởi điểm cũng là một vướng mắc. Theo quy định hiện hành, có nhiều phương pháp xác định giá khởi điểm, song mỗi phương pháp mang lại một kết quả khác nhau. Pháp luật chưa quy định rõ trong trường hợp có nhiều phương pháp và kết quả như vậy thì chọn phương pháp nào.
“Chính sự thiếu vắng quy định cụ thể về xác định giá trị DN dẫn đến rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn. Vì vậy, để bảo đảm an toàn pháp lý DN đang chọn phương án có giá cao nhất, cho dù với tình hình tài chính, thực trạng của DN, giá này đưa ra rất khó bán. Thực tế đã có trường hợp cổ phần được mang bán tới 8 lần không xong”, ông Lai cho biết thêm.
Ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho rằng, những bất cập trên đã lý giải cho câu hỏi vì sao nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà mua cổ phần nhà nước.
“SCIC mong sớm ban hành Quy chế bán cổ phần tại DN, tạo khuôn khổ rõ ràng cho hoạt động thoái vốn tại DN của SCIC trong thời gian tới, đặc biệt là hoạt động thoái vốn tại nhóm các DN lớn”, ông Nguyễn Chí Thành nói.
Cần thay đổi tư duy, cách nhìn
Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN, trong quá trình CPH, thoái vốn, nhà nước không chỉ đặt mục tiêu vì tiền, mà còn chú ý đến các tiêu chí khác như vấn đề an sinh xã hội, giữ gìn thương hiệu quốc gia, an ninh, quốc phòng…Nói cách khác, cổ đông chiến lược cần phải gắn kết lâu dài với DN chứ không chỉ có tiền không.
“Cần chọn NĐT chiến lược có chung mục tiêu gắn kết với DN. Nếu mục tiêu chỉ để thu được tiền (giá càng cao càng tốt) thì dễ, nhưng ta phải hướng đến mục tiêu dài hạn hơn, trong đó có cả vấn đề nhà nước có thể phải giữ lại một tỷ lệ nhất định không phải là 31% mà là 36% để có tiếng nói phủ quyết cuối cùng”, ông Dũng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Ảnh: KT)
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn. Cụ thể như vấn đề định giá DN.
“Dĩ nhiên tài sản là giá trị và có thể rất lớn, nhưng với nhà đầu tư thì không lớn vì chỉ một nửa số tài sản đó có khả năng sinh lời, phần còn lại sẽ hao mòn dần đi. Phải nhìn dưới góc độ của nhà đầu tư chứ không phải của người giữ của. Ở góc độ thị trường, nhà đầu tư mua cổ phần là mua khả năng sinh lời trong tương lai chứ không phải mua tài sản”, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định./.