Khi tiết trời Tây Nguyên se lạnh, người Jrai ở huyện Ia Pa và Krông Pa (Gia Lai) lại băng rừng đi tìm cây cỏ thơm làm muối. Người dân nơi đây xem muối cây cỏ thơm là một đặc sản trời ban.
Cỏ thơm, người Jrai còn gọi là cỏ groach, mùi cay nồng. Cây lá mỏng, cao chưa đầy hai gang tay người lớn. Nếu không phải là người bản địa có kinh nghiệm, rất dễ nhầm với các loại cỏ dại khác. Loại cỏ này rất hiếm, vài năm mới xuất hiện một lần; và chỉ mọc ở những cánh rừng ẩm ướt, có khí hậu mát lạnh.
Khi thời tiết thuận lợi, nhiều người Jrai ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) lại lên núi tìm cỏ thơm để bán. Với nhiều năm kinh nghiệm "săn" cỏ thơm, anh Siu Kha (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) chia sẻ: "Tôi biết loài cỏ này từ khi còn nhỏ, lúc đó tôi hay theo gia đình lên rừng đi làm. Thời điểm đó, cỏ thơm mọc nhiều ven bờ ruộng. Nó có hương thơm độc, lạ, nhiều người Jrai đã biến nó thành muối để chấm cơm, lá mì".
Việc tìm cỏ thơm rất khó khăn, anh Kha phải chạy xe máy vài chục cây số trên những đoạn đường lởm chởm đá và sình lầy, không kể anh còn phải leo lên núi cao mới có thể tìm được loại cỏ này. Mỗi lần tìm cỏ thơm, anh phải mất hơn một tuần mới thu được số lượng đáng kể để bán.
Theo anh Kha, Cỏ thơm có rễ chùm như cây lúa, lá nhỏ như cây kim, dài chừng 40-70 cm. Cỏ sinh sôi, phát triển từ tháng 9 đến hết tháng 2 năm sau. Cỏ thơm khi già có hoa nhỏ li ti màu tím, hạt nhỏ, chỉ cần đi ngang đã ngửi thấy mùi thơm nhẹ. Muối cỏ thơm có thể chế biến lúc cỏ đang tươi hoặc lúc khô đều được.
Sau khi mang cỏ hái trên núi về, anh Kha rửa sạch bụi, đất còn dính trên thân cỏ. Tiếp đó, anh treo cỏ thơm lên hiên nhà để phơi khô dưới nắng. Xong, cỏ thơm đã khô, anh cột thành bó rồi bán cho những người chuyên làm muối groach ở huyện Krông Pa với giá 20.000 đồng/bó 50 gram. Từ đó, giúp anh có thêm thu nhập trang trải cuộc sống từ việc bán cỏ thơm này.
Chị Ksor H'Djom (xã Ia Dreh, Krông Pa, Gia Lai) - người chuyên thu mua cỏ thơm khô ở huyện Ia Pa - thường chế biến thành muối.
Chị Djom cho biết, cách chế biến muối cỏ thơm cực kỳ đơn giản. Chị lấy một nắm muối hạt, ớt trái địa phương và cỏ thơm cho vào một chiếc cối, trộn đều và giã nhỏ. Để nguyên cây, nó đã rất thơm rồi, công đoạn chế biến mùi hương của nó được nhân lên gấp đôi. Khi giã cỏ thơm, hương vị của nó như được đánh thức, quyện cùng các loại gia vị khác làm thành hương thơm khó tả, kích thích vị giác.
"Muối thành phẩm có vị cay nồng của ớt, vị mặn của muối biển và hương thơm đặc biệt của cỏ. Muối groach có thể dùng với tất cả các loại đồ ăn và trái cây nhưng ngon nhất vẫn là thịt nướng và thịt gác bếp", chị Djom cho biết.
Gia đình chị Djom xem muối cỏ thơm như một thứ gia vị đặc biệt, không thể thiếu trong mâm cơm hàng ngày. Khi thức ăn được hòa quyện với muối tạo nên một hương vị đậm đà, khiến đồ ăn trở nên ngon hơn.
Ở Gia Lai, muối cỏ thơm rất được ưa chuộng. Chị Djom làm muối không đủ hàng để cung ứng. Nên chị phải thu mua cỏ từ người dân với giá rất cao. Nhờ thế người Jrai ở huyện Ia Pa có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chị Djom cho hay: "Cỏ thơm ngày càng hiếm, ở nơi tôi ở hầu như không tìm được cỏ thơm, cho nên tôi phải nhập cỏ từ huyện Ia Pa chế biến và bán".
Hiện nay, lọ muối 100 gram, chị bán với giá 50.000 đồng. Ngoài ra, chị còn bán cỏ thơm khô, chưa chế biến với một bó 50 gram có giá 25.000 đồng. Chị Djom không chỉ bán trong huyện Krông Pa, mà đơn hàng của chị còn trải khắp cả trong và ngoài tỉnh.
Quen thuộc, gắn bó với cỏ thơm, chị Djom rất tâm huyết với việc gìn giữ và lưu truyền cách làm loại muối đặc trưng này của người Jrai. Nhiều lần chị Djom lấy hạt cỏ thơm để trồng ở những vùng trũng, sát bờ ruộng nhưng không thể phát triển. Chị lo rằng, món muối cỏ này có thể sẽ biến mất. Đây là điều chị trăn trở suốt thời gian qua.
(Theo Dân Trí)