Một trong những vấn đề trọng tâm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là cuộc đua tới vị trí thống trị các công nghệ tiên tiến nhất cùng với những lợi thế khổng lồ về thương mại và an ninh quốc gia đi kèm với nó. Hãy nghĩ về trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot và xe tự hành. Kế hoạch đầy tham vọng hướng tới mục tiêu thống trị các lĩnh vực này đã khiến chính quyền Trump tức giận sau khi các doanh nghiệp Mỹ có hoạt động ở Trung Quốc từ nhiều năm nay đã luôn than phiền rằng họ bị ép buộc phải chuyển giao công nghệ và còn bị ăn cắp các tài sản trí tuệ.
Với những đòn tấn công của Mỹ nhằm vào Huawei Technologies, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ đang dần trở thành hiện thực. Bảng tỷ số dưới đây sẽ cho thấy tương quan so sánh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc đua công nghệ.
Hàng loạt công ty công nghệ lớn nhất thế giới đều đến từ Mỹ, dẫn dắt nhiều lĩnh vực từ phần mềm, smartphone, thương mại điện tử, công cụ tìm kiếm đến mạng xã hội. Thực tế là 5 công ty giá trị nhất thế giới trong 5 lĩnh vực này đều là công ty Mỹ.
Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc mới chỉ nổi lên trong 5 năm trở lại đây, với Alibaba và Tencent đang vươn lên những vị trí hàng đầu.
Giá trị vốn hóa không chỉ là thước đo giá trị thị trường của các công ty này mà còn thể hiện tiềm lực tài chính vững mạnh giúp họ có thể thực hiện các vụ thâu tóm, tuyển dụng nhân tài, huy động vốn và đầu tư vào các công nghệ mới.
Các công ty công nghệ có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới. Nguồn: Bloomberg.
Từ lâu nay Mỹ vẫn là thị trường internet lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. Tuy nhiên, dân số đông đảo hơn cho phép Trung Quốc vượt qua Mỹ. Hiện Trung Quốc có lượng người dùng di động cao gấp 4 so với Mỹ, đem đến cơ hội khổng lồ cho các doanh nghiệp nội địa phát triển mọi thứ, từ thương mại điện tử, các ứng dụng nhắn tin đến games và các phương thức thanh toán kỹ thuật số.
Trong khi Trung Quốc có lợi thế về số lượng người dùng, người tiêu dùng Mỹ có sức chi tiêu mạnh mẽ hơn nhiều, với mức chi tiêu bình quân đầu người cao gấp 7 lần so với Trung Quốc. Điều này giúp các công ty công nghệ Mỹ có điều kiện thuận lợi để tạo ra doanh thu.
Chính nước Mỹ đã phát minh ra mô hình đầu tư mạo hiểm và sử dụng mô hình vốn tư nhân để tạo ra nhiều công ty công nghệ hùng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc cũng đã thu hẹp khoảng cách xét về khía cạnh dòng vốn đầu tư. Bằng chứng là số lượng startup kỳ lân (có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên) ở Trung Quốc đã tăng mạnh, gần tương đương với số lượng ở Mỹ. Bytedance đạt giá trị 75 tỷ USD vào năm ngoái là một trong số đó.
Chip bán dẫn chính là trọng tâm của cuộc cách mạng về công nghệ. Hiện các công ty Mỹ đang có lợi thế, kiểm soát hầu hết các tài sản trí tuệ hàng đầu và "nuốt chửng" các đối thủ Trung Quốc về sản lượng. Năm ngoái mảng chip của Huawei, HiSilicon (cũng là công ty chip lớn nhất của Trung Quốc) đạt doanh thu 7,6 tỷ USD – bằng khoảng 1/10 của Intel. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc cũng thường phải dựa vào phần mềm của các công ty Mỹ là Cadence và Synopsys để thiết kế, cùng với thiết bị từ Applied Materials và Lam Research để sản xuất chip.
Mặc dù Alexander Graham Bell là người phát minh ra điện thoại và giúp Mỹ trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực viễn thông, đó đã là câu chuyện của quá khứ. Các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ đã bị tụt lại phía sau trong 2 thập kỷ gần đây, và ngành này hiện đang bị thống trị bởi bộ ba các nhà cung ứng nước ngoài. Đặc biệt Huawei đang thống trị công nghệ 5G, triển khai một loạt dự án trên toàn thế giới.
Xét đến những chuyên gia về trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp Mỹ. Tính đến cuối năm 2017, Mỹ có hơn 28.000 chuyên gia trong khi Trung Quốc chỉ có khoảng 18.000 người, theo thống kê của ĐH Thanh Hoa. Tuy nhiên, khoảng cách đang dần thu hẹp. Báo cáo năm 2016 của World Economic Forum cho thấy Trung Quốc có 4,7 triệu nhân tài mới tốt nghiệp lĩnh vực khoa học, công nghệ, chế tạo và toán học (STEM), trong khi Mỹ chỉ có 568.000 người.
Trong 20 năm trở lại đây, Apple và các công ty công nghệ hàng đầu khác của nước Mỹ đã theo chân các nhà sản xuất truyền thống chuyển hoạt động sản xuất và lắp ráp sang Trung Quốc. Ví dụ, Foxconn Technology có thể sử dụng tới 1 triệu công nhân để lắp ráp iPhone vào mùa cao điểm.
Các công nhân Mỹ có năng suất vượt trội hơn và vẫn đang tiếp tục xử lý các công nghệ nhạy cảm. Tuy nhiên, xét về tổng thể và tính theo lượng giá trị tăng thêm trong quá trình sản xuất, Trung Quốc vượt trội hơn hẳn so với Mỹ.