Cạnh tranh càng gay gắt
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 94.484 tỷ đồng, tăng 14,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước tính đạt 66.429 tỷ đồng, tăng 14,5% so với cùng, riêng thị trường Banca tăng trưởng 23%.
Ông Lê Phạm Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MB Ageas Life ) nhận định, đây là mức tăng trưởng rất tốt khi tình hình nền kinh tế trong và ngoài nước có nhiều biến động như hiện nay và dự báo, doanh thu bảo hiểm toàn thị trường năm 2022 có thể tăng 25% so với năm 2021. Trong dài hạn 5 năm tới, mức tăng trưởng có thể đạt 25%-30%/năm.
"Ngành bảo hiểm có sự tương quan rất lớn với sự phát triển chung của thị trường tài chính và các biến động xã hội. Như chúng ta biết, với sự phục hồi trở lại của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, GDP 6 tháng đầu năm tăng ấn tượng, khoảng 6,42% so với cùng kỳ mở ra nhiều triển vọng. Bên cạnh đó, suy nghĩ của người dân đã có sự thay đổi đáng kể sau dịch bệnh, họ quan tâm hơn tới bảo hiểm sức khoẻ, hướng đến kế hoạch tài chính bền vững dài hạn", ông Duy nói. Những yếu tố này cho thấy ngành bảo hiểm nhân thọ sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn trong nửa cuối năm và các năm tới.
Trên thực tế, GDP đầu người của Việt Nam tăng rất mạnh trong những năm gần đây. Và theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Chính phủ, GDP bình quân đầu người của Việt Nam được kỳ vọng đạt 3.900 USD trong năm 2022, sẽ tăng lên 5.000 USD năm 2025 và đạt 12.000 USD vào năm 2045.
Với dân số gần đạt 100 triệu dân, thu nhập tăng mạnh và nhiều người chưa có bảo hiểm, tiềm năng phát triển của thị trường còn rất lớn trong những năm tới. Hiện tỷ lệ thâm nhập còn thấp khi chỉ 11% dân số Việt Nam tham gia mua bảo hiểm nhân thọ tính đến năm 2021, thấp hơn nhiều so với Malaysia (50%), Singapore (80%),…
Tiềm năng lớn như vậy, mảng bancassurance (liên kết giữa ngân hàng – bảo hiểm) đã nở rộ trong những năm gần đây và là một động lực tăng trưởng mới cho toàn ngành. Thông qua đó, công ty bảo hiểm có cơ hội mở rộng thị trường, khai thác tệp khách hàng chất lượng của các nhà băng.
Theo chuyên gia, tuy đã phát triển rất mạnh thời gian qua nhưng dư địa của mảng bancassurance vẫn còn rất lớn. Ông Lê Phạm Duy cho biết, đối với kênh bancassurance, tỷ lệ thâm nhập của khách hàng tại ngân hàng mua bảo hiểm mới chỉ ở mức 5-8%.
"Thị trường đang trong giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận trả mức phí Upfront fee (phí trả trước) rất cao để thâm nhập vào danh mục khách hàng của nhà băng. Điều này cũng cho thấy mảng Banca có sự hấp dẫn rất lớn.", ông Duy chia sẻ.
Ông Lê Phạm Duy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas
Trên thị trường hiện nay, hầu như ngân hàng lớn nào cũng đã tham gia vào kênh Bancassurance. Giá trị các thương vụ độc quyền giữa hãng bảo hiểm và ngân hàng ít khi được tiết lộ công khai, nhưng được biết con số hàng trăm triệu USD là không hiếm và thậm chí có cá biệt nhà băng đạt tới 1 tỷ USD.
Sự cạnh tranh gay gắt cũng thể hiện qua sự xáo trộn không ngừng trên bảng xếp hạng tổng doanh thu phí APE kênh bancassurance. VIB là ngân hàng giữ vị trí TOP 1 trong năm 2021 nhưng đến tháng 4/2022 thì ACB lên vị trí cao nhất. Và theo cập nhật mới nhất, đến cuối tháng 6/2022, MB đã vươn lên vị trí quán quân, một cú nhảy vọt ấn tượng khi năm 2021 chỉ xếp thứ 6 trên thị trường.
"Cặp đôi" Bảo hiểm – Ngân hàng khác biệt trên thị trường Banca
Nhìn chung, mối liên kết giữa các công ty bảo hiểm và các nhà băng hiện nay theo hình thức ký kết hợp đồng độc quyền có thời hạn dài, thường là 10-15 năm. Qua đó, các công ty bảo hiểm bán sản phẩm của mình thông qua kênh phân phối của ngân hàng.
Một số mối liên kết nổi bật có thể kể đến như ACB – Sunlife, VietinBank – Manulife, Techcombank – Menulife, MSB – Prudential, VIB – Prudential, VPBank -AIA, Sacombank – Daiichi Life, Vietcombank – FWD,…
Hầu hết ngân hàng lớn đều đã có thỏa thuận bảo hiểm độc quyền cho thấy bức tranh cạnh tranh gay gắt trên thị trường. (Ảnh: Chứng khoán Yuanta tổng hợp).
Riêng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đi theo mô hình khá khác biệt. Nhà băng này vận hành một công ty bảo hiểm nhân thọ riêng là MB Ageas Life với tỷ lệ sở hữu là 61%. Công ty được thành lập dựa trên sự hợp tác với các đối tác bảo hiểm có tiếng trên quốc tế như Ageas từ Bỉ (sở hữu 29%) va Muang Thai Life Insurance của Thái Lan (10%).
Phó Tổng Giám đốc MB Ageas Life cho rằng, cạnh tranh lớn thì thị trường cũng sẽ phát triển tốt hơn. Để có lợi thế rõ rệt, nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua nền tảng công nghệ sẽ là điều tiên quyết tạo nên sự khác biệt và lợi thế lớn nhất. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm rất quan trọng trong đường dài, cần có sự phát triển đồng điệu và kết nối bền chặt.
"Vì là công ty thành viên, chúng tôi có sự chia sẻ nhiều hơn về nền tảng công nghệ, dữ liệu từ phía ngân hàng, hiểu được sâu về nhu cầu của khách hàng, từ đó xây dựng được trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Tôi nghĩ đây là lợi thế của MB Ageas Life, giúp chúng tôi tăng trưởng bền vững.", ông Duy nói.
MB Ageas Life và MB là "cặp đôi" có cách thức bán Banca rất khác so với phần còn lại của thị trường. Lãnh đạo MB Ageas Life tiết lộ, mối hợp tác này đã được 6 năm và hiện đã đến giai đoạn bán hàng dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu của khách hàng không chỉ trên kênh vật lý mà cả kênh số. Chúng tôi xây dựng các kịch bản, điểm chạm phù hợp với từng nhóm khách hàng, đó là điều tiên quyết giúp tăng doanh số.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh số mà MB Ageas Life đạt được là 927 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, gần bằng mức đạt được trong cả năm 2021. Phó Tổng Giám đốc của công ty bảo hiểm này chia sẻ, MB Ageas Life cố gắng đạt mục tiêu doanh thu 2.200 tỷ đồng trong năm nay, tức sẽ gần gấp đôi năm 2021.