Trước thềm hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020 sắp diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ, Bloomberg giới thiệu danh sách 60 nền kinh sáng tạo nhất thế giới năm 2020 - Bloomberg 2020 Innovation Index. Việt Nam góp mặt lần thứ 2, đứng ở vị trí 57, tăng 3 bậc so với năm ngoái. Bảng xếp hạng này làm sáng tỏ khả năng đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế nổi bật trên thế giới, và đây cũng chính là một trong các chủ đề thảo luận chính tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2020.
Ngoài Việt Nam, trong khu vực Đông Nam Á còn có sự góp mặt của 3 quốc gia khác trong bảng xếp hạng năm nay: Singapore (xếp thứ 3), Malaysia (xếp thứ 26) và Thái Lan (xếp thứ 40). Trong đó, so với năm ngoái, Singapore vượt lên 3 bậc, Malaysia giảm một bậc và Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì vị trí của mình.
Mức độ sáng tạo của mỗi quốc gia được Bloomberg tính toán trên 7 tiêu chí chính, bao gồm đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong tổng GDP, giá trị gia tăng của ngành sản xuất; năng suất lao động; mật độ công nghệ cao (tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ cao nội địa); hiệu quả của giáo dục bậc cao; mật độ nhà nghiên cứu và hoạt động bằng sáng chế.
Sau 6 năm liên tục xếp ở vị trí đầu tiên, Hàn Quốc đã bị đẩy xuống thứ 2, đổi vị trí cho Đức với tổng điểm cao nhất là 88,21. Không chỉ có thế, Nhật Bản và New Zealand cũng nằm trong số những nền kinh tế đang bị tụt hạng chỉ số sáng tạo, trong khi Việt Nam được đánh giá là có sự cải thiện vượt trội (tăng 3 bậc).
Bên cạnh đó, 2 nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và Trung Quốc lại cho thấy xu hướng đối lập nhau. Trong đó, Mỹ giảm 1 bậc so với năm ngoái, xếp ở vị trí thứ 9, trong khi Trung Quốc tăng 1 bậc, hiện đứng ở vị trí thứ 15. Mỹ đứng ở vị trí đầu bảng khi danh sách này lần đầu tiên được Bloomberg giới thiệu vào năm 2013.
Đối với các nền kinh tế lớn ở Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ số này đều không khả quan. Nhật Bản giảm 3 bậc xếp hạng so với năm ngoái, và Australia giảm 1. New Zealand là nền kinh tế có chỉ số sáng tạo sụt giảm nhiều nhất – 5 bậc, nguyên nhân chủ yếu được cho là do sự sụt giảm trong năng suất lao động và giá trị gia tăng của ngành sản xuất.