Không thể phủ nhận đại dịch Covid-19 đã tác động đến kinh tế và xã hội của hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, đời sống và nền kinh tế trong khu vực cũng đã chứng kiến những xu hướng sẽ thay đổi vĩnh viễn.
Theo báo cáo mới nhất do Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố, GDP bình quân tại khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và 10 quốc gia ASEAN dự kiến sẽ giảm 2,9%.
OECD dự báo, mức suy giảm trung bình khu vực ASEAN là 2,8%, và thậm chí ở một số quốc gia, con số này còn tồi tệ hơn. Ước tính Thái Lan sẽ phải đối mặt với cuộc suy giảm sâu nhất, ở mức 6,7%. Đáng chú ý, OECD dự báo Việt Nam sẽ vượt các nước láng giềng, đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm 2020 và tăng lên 7,2% vào năm 2021.
Các chuyên gia cũng đang mong chờ vào sự thúc đẩy kinh tế từ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến sẽ được ký kết vào tháng 11 sau tám năm đàm phán. Đây được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất, gồm 10 quốc gia ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Bộ trưởng cấp cao Singapore, ông Tharman Shanmugaratnam nhận định: "RCEP không chỉ là hiệp định thương mại tự do lớn nhất toàn cầu mà còn bao gồm các khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới".
Bộ trưởng Shanmugaratnam nói thêm: "Thế giới sẽ không đột ngột thay đổi vì RCEP. Tuy nhiên, RCEP sẽ đưa khu vực vào "quỹ đạo mới" để đẩy nhanh tốc độ tự do hoá".
Bất chấp sự phức tạo về quy định ở mỗi quốc gia trong khu vực, ông Shanmugaratnam tin rằng RCEP sẽ là cơ hội lớn giúp các doanh nghiệp phát triển trên toàn khu vực.
Ông Simon Tay, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore (SIIA) cho biết: "Điều quan trọng đó là chúng ta cần chứng minh RCEP có ý nghĩa to lớn và mang lại lợi ích cho tất cả thành viên". Ông cũng bày tỏ niềm tin về tiềm năng của RCEP trong việc cải thiện nền kinh tế các nước, tăng hoạt động trên thị trường trong khu vực.
Ngoài ra, cuộc đàm phán RCEP đang bước vào giai đoạn cuối cùng trong thời điểm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc - buộc các doanh nghiệp trên thế giới phải xem xét lại chiến lược của mình.
Giám đốc Simon Tay nói: "Một phần ba chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang tìm kiếm một địa điểm mới ngoài Trung Quốc".
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Gartner (Mỹ), khoảng 33% trong số 260 nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng được khảo sát đang có kế hoạch chuyển cơ sở của họ ra khỏi Trung Quốc vì mức thuế mà cả hai nước áp đặt.
Ông Shanmugaratnam nêu rõ: "Mặc dù Trung Quốc đang cố gắng nâng cao chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đang thực hiện đa dạng hoá bằng cách rời khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tăng cao và nhu cầu về mở rộng địa điểm đối với một số ngành sản xuất thâm dụng lao động".
Theo quan điểm của ông, đây có thể là cơ hội thực sự cho khu vực vì ASEAN không chỉ là nguồn cầu và thị trường quan trọng, mà còn là một địa điểm sản xuất ngày càng cạnh tranh.
Khi được hỏi rằng các quốc gia ASEAN nên đặt mình ở đâu trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra, Bộ trưởng điều phối hàng hải và đầu tư của Indonesia, ông Luhut Binsar Pandjaitan cho biết: "Chúng tôi sẽ không đứng về phía nào".
Ông Shanmugaratnam đồng ý và nhấn mạnh rằng ASEAN "không phải là không có đòn bẩy của riêng mình với tư cách là một khối kinh tế, một khối chiến lược và là một khu vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn hòa hợp".
Cuộc chạy đua chuyển đổi số
Đại dịch Covid-19 cho thấy công nghệ và số hoá đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mọi người. Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered, ông Bill Winters nhận định: "Dù dịch bệnh qua đi, lối sống này vẫn sẽ được áp dụng rộng rãi. Từ đó sẽ dẫn đến số lượng văn phòng ít đi, gây áp lực lên các địa điểm có chi phí cao".
Lực lượng lao động cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng bởi tự động hóa, robot và công nghệ kỹ thuật số. Covid-19 đã đóng vai trò như một chất xúc tác buộc các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ phải hỗ trợ việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng của người lao động.
Ông Shanmugaratnam khẳng định: "Chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong đầu tư vào nguồn nhân lực. Các nhà tuyển dụng cần làm việc với chính phủ và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục để đào tạo kỹ năng cho người lao động trong các ngành nghề khác nhau".
Cuối cùng, ông kết luận: "Điều này không đòi hỏi cần có sự đột phá lớn trong tư duy. Điều duy nhất chúng ta cần là sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong tương lai".