Cơ quan Lương thực Quốc gia Bangladesh ngày 23/11 thông báo đã mở thầu quốc tế để mua thêm 50.000 tấn gạo, là đợt mua thứ 2 kể từ giữa tháng 11 đến nay.
Đợt đấu thầu này có thời hạn tới 2/12. Lần này gạo cần mua cũng là gạo đồ non-basmati, giá chào tính theo CIF. Gạo có thể được cung cấp bởi các xuất xứ trên toàn cầu, và thời hạn giao hàng là 40 ngày kể từ khi ký hơp đồng.
Bangladesh có kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo trong năm nay để bù đắp sản lượng trong nước thiếu hụt do lũ lụt. Giá gạo ở Bangladesh đã tăng khoảng 50% kể từ tháng 3 đến nay, do Covid-19 khiến người dân mua nhiều để tích trữ, trong khi mùa màng trong nước bị thất bát vì thiên tai.
Tuy nhiên, giới kinh doanh gạo ở Bangladesh cho rằng, việc Chính phủ nhập khẩu gạo sẽ không giúp hạ nhiệt thị trường gạo của nước này, mà Chính phủ nên hạ thuế nhập khẩu gạo.
Trong khi đó, một thị trường gạo quan trọng trên thế giới – Philippines mới đây thông báo sẽ không cấp phép nhập khẩu gạo từ nay đến cuối năm.
Theo đó, Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar ngày 21/11 tuyên bố lý do là bởi lượng dự trữ gạo trong nước còn nhiều sau khi nhập khẩu thời gian qua đã đáp ứng đủ nhu cầu (đủ dùng trong khoảng 88 ngày, tức là tới tháng 1 năm sau, kể cả khi có bão).
Thời gian qua, việc Philippines nhập khẩu gạo đã góp phần giữ cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, loại 5% tấm hiện khoảng 495 – 500 USD/tấn.
Theo ông Dar, nhập khẩu gạo của Philippines tới cuối năm 2020 dự báo đạt 2,3 triệu tấn, giảm 23% so với mức cao kỷ lục 3 triệu tấn của năm 2019.
Năm 2019, Philippines đã soán ngôi nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Trung Quốc (đất nước 1,4 tỷ dân chỉ nhập 2,5 triệu tấn gạo).