Bánh chưng nhân cá suối là đặc sản có một không hai ở Thanh Hóa. Còn ở Cần Thơ, chè trôi nước chùm ngây mới xuất hiện, thu hút đông đảo thực khách.
Bánh chưng nhân cá suối, đặc sản độc nhất vô nhị ở Thanh Hóa
Bánh chưng là loại bánh quen thuộc ở Việt Nam, nhân bánh chưng thường được làm bằng thịt lợn. Nhưng người Thái ở miền tây Thanh Hóa lại làm chưng bằng nhân cá bống suối. Đây là món ăn truyền thống rất độc đáo của người Thái.
An Ninh Thế Giới thông tin, cách làm bánh chưng nhân cá cổ truyền có khá nhiều công đoạn, cần đến sự chăm chỉ và khéo léo của các thành viên trong gia đình. Việc làm cá chua có thể diễn ra quanh năm. Nhưng để dùng cá chua làm nhân của bánh chưng ngày Tết, người ta thường phải chuẩn bị riêng loại nguyên liệu này từ khoảng tháng 10-11 âm lịch.
Bánh chưng nhân cá suối có mùi rất thơm, dẻo ngon hơn xôi nhưng lại không ngấy ngán như bánh chưng miền xuôi. Nhân bánh rất chắc, không còn mùi tanh của cá.
Bánh chưng nhân cá chua được người Thái ưa thích (Ảnh: An Ninh Thế Giới) |
Chè trôi nước chùm ngây độc, lạ hút khách
VOV cho hay, dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, tại Cần Thơ, chè trôi nước chùm ngây độc đáo xuất hiện, mang hương vị mới cho món ngon này.
Nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy (ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ) cho hay, biết chùm ngây là một loại thực vật giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, bà đã sáng tạo kết hợp bột chùm ngây tách nhẫn, tạo nên món chè trôi nước chùm ngây để phù hợp xu hướng thị trường.
Dịp Tết Đoan Ngọ này, đã có hơn 1.000 viên (mỗi viên 5.000 đồng) được chuyển đến khách hàng. Chè trôi nước là món ngọt, nên có thêm chùm ngây sẽ làm cho món ăn cân bằng hơn về dinh dưỡng, tạo vị mới và màu sắc cũng hấp dẫn hơn.
Loại sen ‘sinh đôi’ quý hiếm giá siêu đắt đỏ
Cùng với sen ngàn cánh, dịp này thị trường còn xuất hiện loại sen Tịnh Đế (một đế 2 bông) mà nhiều người gọi vui là sen “sinh đôi”. Với những người sành chơi sen, ai cũng hy vọng được gặp và sở hữu bông sen Tịnh Đế dù giá có cao gấp hàng chục lần so với các loại sen thông thường, dao động từ 150.000-300.000 đồng/cành.
Sen Tịnh Đế là loại hoa sen siêu hiếm (Ảnh: Phu Nguyen Ha) |
Chị Nguyễn Anh - đầu mối bán hoa sen ở Thanh Trì (Hà Nội) - cho biết, những bông sen đơn màu hồng và trắng đã vô cùng quen thuộc, nhưng sen Tịnh Đế thì khá hiếm, cả đầm vài nghìn bông sen cũng chỉ xuất hiện một vài đóa sen Tịnh Đế. “Chính bởi sự quý hiếm nên khách sành chơi phải đặt trước vài tháng may ra mới có’, chị nói.
Còn chị Bùi Thị Thương - đầu mối chuyên bán hoa online ở Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - chia sẻ, sở dĩ có tên gọi sen Tịnh Đế hay Tịnh Đế liên bởi loài sen này trước kia chỉ dành để tiến vua. Loài sen không bao giờ nở riêng lẻ mà trên cùng một cuống bao giờ cũng có hai bông hoa. Đây được coi là hiện tượng đặc biệt, hiếm gặp, tượng trưng cho điềm lành, may mắn, sự thịnh vượng, sung túc. Sen Tịnh Đế cũng đượm hương và giữ được mùi thơm lâu hơn sen bình thường.
Thú chơi lạ: Mua cành cây toàn lá giá tiền triệu về chơi
Ngoài thú chơi hoa, cây cảnh, nhiều chị em Hà thành giờ đây còn có thú mua cành cây khẳng khiu toàn lá xanh về cắm chơi. Loại cây này là thạch nam, thuộc họ cây bụi rậm rạp. Đây là một trong những loại cây được ưa chuộng trồng trong nhà, đặc biệt chúng không có mùi hương nên ai cũng có thể chơi được.
Chị Nguyễn Thị Vân - đầu mối bán hoa ở Âu Cơ (Tây Hồ, Hà Nội) - cho biết, loại cành lá cắm trang trí này xuất hiện trên thị trường từ năm ngoái nhưng tới thời điểm này chúng mới trở nên rầm rộ. Cành thạch nam được nhập khẩu từ Nhật Bản. Khoảng tháng 8 là thời điểm thạch nam ra hoa thành từng chùm dày đặc màu hồng, đỏ, tím vô cùng đẹp mắt.
Những cành thạch nam xanh mướt gây sốt thị trường (Ảnh: Trần Ly) |
Giá thạch nam dao động từ 250.000-300.000 đồng/cành, đắt thì khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cành. Một bình thạch nam đắt gấp cả chục lần so với chơi những loại hoa nội địa như: sen, ly, hồng, cúc,... Đổi lại, chúng là loại cây hoa cảnh khá mới lạ, để trong nhà nhìn lúc nào cũng tươi xanh mướt mát mẻ.
Mít không hột, vị như sữa chua khiến nhiều người bất ngờ
Mới đây, một tài khoản TikTok đã chia sẻ khoảnh khắc bổ một trái mít không hạt và thu hút được sự chú ý của nhiều người. Theo đó, một cô gái bổ trái mít không hạt rồi cắt ra thành từng miếng như cắt táo - cắt dưa hấu khiến ai nấy đều bất ngờ.
Sự thật, đây không phải là mít "đột biến" như nhiều người bình luận. Đây là mít không hạt Ba Láng, được lai tạo bởi nông dân Trần Minh Mẫn, phường Ba Láng, quận Cái Răng, Cần Thơ.
Giá của loại mít này có khi lên đến 50.000 đồng/kg, một trái mít có thể nặng lên đến 20kg. Nhiều người từng ăn mít không hạt cho biết vị của loại mít này giống như... sữa chua. Mít khi chín rất ngọt, có thể ăn được cả múi lẫn xơ.
Loại tôm bám trên cây giá nửa triệu đồng/kg có gì đặc biệt?
Khác với các loài tôm thông thường sống ở dưới nước, tôm rừng là loại côn trùng sống trên thân cây hoặc hang đá. Loại tôm này được coi là đặc sản Lạng Sơn. Loài tôm rừng chỉ có theo mùa, được nhiều người lùng mua dù giá bán lên tới 500.000 đồng/kg.
Tôm rừng có hình dáng khá giống con tôm nhưng có kích thước nhỏ, đôi chân như con cào cào. (Ảnh: Dân Việt). |
Gọi là tôm rừng là bởi loài này có hình dáng khá giống với loài tôm nhưng lại thuộc dòng côn trùng. Tôm rừng có kích thước nhỏ, con nào to chỉ bằng ngón tay út của người lớn, đôi chân như con cào cào. Để bắt được tôm rừng, người dân phải vào sâu trong rừng. Nhưng tôm rừng rất khôn, biết có người đến gần là thi nhau chạy trốn, phải là người có kinh nghiệm mới bắt được hết tổ.
Khởi nghiệp với “nông nghiệp điên”, chàng trai đem rau sạch đổi lấy rác
Báo Dân Việt thông tin, tốt nghiệp đại học xây dựng nhưng anh Phạm Hùng Cường (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) lại quyết định trở về quê làm nông nghiệp. Anh gây dựng mô hình nông nghiệp sạch theo cách riêng. Anh Cường nhận thấy làm theo cách truyền thống có rất nhiều vấn đề, đất dần bị thoái hóa và sản phẩm nông nghiệp cũng ảnh hưởng chất lượng.
Anh suy nghĩ đến việc sẽ làm nông nghiệp theo hướng hướng canh tác, sử dụng toàn bộ phân hữu cơ.
Anh đi xin và mua tại các cửa hàng, quán ăn thức ăn thừa, rau củ quả hư, các loại phế phụ phẩm của nông nghiệp, gọi chung là rác hữu cơ. Lấy “rác” về, anh dùng kiến thức đã học để làm phân hữu cơ rồi bón cho măng tây. Ban đầu, khi anh đi xin rác tại các nhà hàng, quán ăn, nhiều người vẫn nói anh bị điên. Sau này, anh bỏ tiền ra mua và sử dụng rau sạch nhà mình để đi đổi lấy rác thì mọi người đều vui vẻ nhận.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)