Hai tuần trước, ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên bánh kẹo Á Châu – ABC có ghé tỉnh Vĩnh Long. Trên đường, ông Lực thấy thanh long chín đầy ruộng, dừng chân hỏi chuyện, nghe nông dân than chuyện không bán được hàng do ảnh hưởng của dịch virus corona, càng nghĩ ông càng muốn làm gì đó có ý nghĩa cho họ.
Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên bánh kẹo Á Châu – ABC với mẻ bánh mì thanh long.
Suốt chuyến đi, ông suy nghĩ về việc tạo ra một loại bánh mì mới làm từ thanh long, góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân, đồng thời cũng làm phong phú thêm thực đơn cho thương hiệu bánh của mình. Mang ý tưởng đó về TP.HCM, sau khi bàn với một số đầu bếp, ông Lực và cộng sự bắt tay vào thực hiện loại. bánh mì mới toanh này.
“Tôi mất 3 ngày để nghiên cứu công thức và thử nghiệm, sau rất nhiều lần cũng ra được kết quả như ý. Công thức làm bánh mì thanh long khá đơn giản: giảm 80% lượng nước trong mẻ bột bánh mì, thay vào đó là 60% lượng thanh long xay nhuyễn. Sản phẩm ra lò có màu đậm hơn bánh mì thường, có vị ngọt tự nhiên của trái cây và mùi thơm của thanh long”, “vua” bánh mì không ngần ngại chia sẻ.
Cận cảnh công nhân làm bánh mì thanh long với công suất tối đa ngày 12/2.
Ông Lực cho biết, giai đoạn đầu, công ty đã mua 1 tấn thanh long, xay nhuyễn bảo quản đông lạnh để dùng dần. Khi vận hành đều đặn, dự kiến mỗi ngày công ty sử dụng khoảng 200kg thanh long.
"Hiện đã có đã có 4 loại bánh ra đời từ nguyên liệu thanh long, đó là bánh mì thanh long khoai môn, bánh thanh long phô mai, bánh kem thanh long, bánh mì baguette thanh long và hứa hẹn sẽ nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm từ nguyên liệu là trái thanh long ruột đỏ", ông Lực nói.
Bánh mì thanh long vừa mới ra lò, giá bán 6.000 đồng/ổ.
Theo ông Lực, bánh mì thanh long hiện bán với giá 6.000 đồng/ổ. Với giá bán này, công ty chưa tính lời lỗ mà chủ yếu giới thiệu sản phẩm mới.
Chỉ tính riêng ngày 12/2, cửa hàng ABC Bakery trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (TP. HCM) đã cho ra lò liên tục 11 mẻ bánh mì, tương đương 1.500 bánh, bánh ra lò tới đâu bán hết ngay trong vòng 10 phút.
Đứng xếp hàng chờ mua bánh mì thanh long, ông Thúc (quận Gò Vấp) cho biết: “Chiều nay tôi chạy ra trễ người ta bán hết rồi nên phải chạy lại lượt nữa để mua bánh. Tôi muốn mua bánh mì thanh long, phần vì tò mò về loại bánh mới này, phần vì muốn ủng hộ cho người nông dân trong giai đoạn khó khăn vì virus corona”.
Người dân TP.HCM chen chúc nhau mua bánh mì thanh long.
Chia sẻ với PV báo điện tử DANVIET.VN, “vua” bánh mì Kao Siêu Lực cho biết, ngoài thanh long, ông phát hiện nhiều loại nông sản Việt Nam có thể làm bánh ngọt như khoai môn, khoai lang, củ dền… đặc biệt là sầu riêng rất ngon có thể khai thác trở thành thế mạnh, hương vị đặc trưng của Việt Nam.
Ông Lực dự kiến sẽ phổ biến công thức làm bánh cho các tiệm bánh muốn học hỏi để họ có thể làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, bán được cho khách hàng bởi sức của ABC nhỏ, lực lượng ít nên càng có thêm nhiều người làm bánh ủng hộ tiêu thụ nông sản càng tốt.
"Khách ở gần, tiện tới cửa hàng nào thì mua tại cửa hàng đó để mọi người cùng có lợi. Tôi là Chủ tịch Hiệp hội bánh mì quốc tế khu vực Đông Nam Á, nước ngoài hỏi công thức tôi còn chỉ dẫn huống chi là người trong nhà" - "vua" bánh mì nói.
"Vua" bánh mì Kao Siêu Lực giới thiệu một số loại bánh làm từ trái thanh long Việt Nam.
“Phản ứng của khách hàng rất tốt, bánh từ lò ra chưa kịp xếp vào quầy đã hết luôn khiến tôi thấy rất bất ngờ. Tôi sẽ tiếp tục quan sát sức bán thế nào, nếu khách hàng tiếp tục yêu thích ủng hộ sẽ sử dụng máy chuyên dụng sản xuất với công suất khoảng 7.000 ổ/ngày. Đã có "đệ tử" hỏi xin tôi công thức làm bánh mì thanh long. Tôi sẵn sàng chia sẻ công thức này cho các tiệm bánh để càng có nhiều người làm thành công càng tốt" - ông Lực vui vẻ tiết lộ.