Tấm áp phích của họa sĩ Lê Đức Hiệp, chỉ là một trong vô số loại hình nghệ thuật xuất hiện ở Việt Nam - từ "vũ điệu rửa tay" đến tem nhà nước - phản ánh tinh thần "chống dịch như chống giặc" của người dân Việt Nam khi họ cố gắng tuyên truyền ngăn chặn dịch bệnh.
Ông Hiệp chia sẻ: "Sau khi Chính phủ kêu gọi mọi người ở nhà để giúp ngăn chặn Covid-19, trên mạng xã hội tôi thấy nhiều người vẫn tụ tập, họ vẫn đi ra các quán cà phê và nhà hàng. Điều đó thực sự làm tôi buồn phiền."
"Tôi muốn làm một cái gì đó có tính lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người làm điều đúng đắn. Tôi đã chọn cách vẽ tranh tuyên truyền vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi tinh thần yêu nước."
Họa sĩ Hiệp không phải là người Việt Nam duy nhất làm sống lại tinh thần này khi miêu tả đại dịch.
Ông Phạm Trung Hà, một họa sĩ nổi tiếng đến từ "thế hệ vàng" của Việt Nam, đã hợp tác với Bộ y tế và Công ty Tem Việt Nam cho ra mắt hai thiết kế tem. Một thiết kế với thông điệp là mọi người dân cần đoàn kết trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Thiết kế còn lại cho thấy các nhân viên y tế đang nỗ lực nghiên cứu chống lại Covid-19, đằng sau họ có một nắm tay giơ lên tượng trưng cho tinh thần ngoan cường và quyết tâm không gục ngã trước dịch bệnh.
Chính phủ Việt Nam cũng đã kêu gọi các họa sĩ trên toàn quốc gửi các thiết kế áp phích. Mặc dù đang điều trị ung thư, nghệ sĩ Lưu Yên, 73 tuổi, đã nộp hai sản phẩm của mình cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả hai đều được chấp nhận và hiện đang treo trên các đường phố Việt Nam.
"Vẽ tranh áp phích tuyên truyền vốn là sở thích của tôi từ thập niên 60 và 70 khi Việt Nam thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại thời điểm đó, có thể dễ dàng thấy những bức tranh tuyên truyền khổng lồ ở khắp mọi nơi trên đất nước", ông chia sẻ.
"Hiện tại mặc dù tôi đang có sức khỏe kém và thời gian có hạn, tôi vẫn quyết định tham gia dự án để giúp đỡ mọi người trong cuộc chiến này. Chúng tôi không thể ở tiền tuyến nhưng tất cả các nghệ sĩ có thể hỗ trợ theo cách riêng bằng cách cung cấp thông tin thông qua các bức tranh tuyên truyền", ông nói thêm.
Các thông điệp rõ ràng và các hành động kịp thời cùng với phương pháp truy tìm nguồn lây nhiễm đã giúp Việt Nam hạn chế mức độ lây lan virus nhanh như ở châu Âu và giữ cho số ca bệnh ở mức vài trăm. Sau 88.000 xét nghiệm, Việt Nam mới chỉ có 251 người được xác nhận nhiễm bệnh và không có trường hợp tử vong tính đến sáng ngày 9/4.
Chính phủ đã tập trung vào việc cách ly bất cứ ai có tiếp xúc với các ca bệnh, cũng như những người mới nhập cảnh. Việt Nam đã cách ly hơn 67.000 người. Lệnh phong tỏa toàn quốc cũng được thực hiện từ ngày 1/4.
Những người không thực hiện các quy định chính thức hoặc vi phạm các quy tắc sẽ phải chịu các hình phạt nhất định. Các hình phạt này được thi hành thông qua một hệ thống chặt chẽ và qua cộng đồng. Chính phủ sẽ phạt tiền đối với những người đăng tin giả mạo trên mạng xã hội hoặc đi ra ngoài vì lý do không cần thiết khi có lệnh phong tỏa.
Trong khi đó, các biển báo đã xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo những người không đeo khẩu trang - hiện bắt buộc ở các thành phố lớn - rằng nếu họ gây phát tán các bệnh nhiệt đới nguy hiểm khác, họ có thể phải đối mặt với mức án tù 12 năm.
Các nghệ sĩ như Huỳnh Kim Liên và Phùng Nguyên Quang, người sáng lập KAA Illustration, đã giới thiệu hình ảnh các bác sĩ, y tá và sĩ quan quân đội trong một bức tranh màu nước để gửi lời cảm ơn đến các y bác sỹ tại tuyến đầu chống dịch. Họ chia sẻ rằng tại thời điểm này, nghệ thuật là cách duy nhất để kết nối mọi người lại với nhau.
Các nghệ sĩ ở Việt Nam, như lời họa sĩ Kim Liên nói: "Tại Việt Nam, Chính phủ tuyên bố chúng ta đang chống dịch Covid-19 chống giặc, vì vậy với tư cách là một nghệ sĩ, chúng tôi thực hiện công việc của mình trong cuộc chiến này: Chúng tôi vẽ."