Tờ Economist đưa tin, vào đầu tháng này trường Đại học Linacre trực thuộc Đại học Oxford đã hông báo về việc đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn SOVICO, do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm chủ tịch.
Theo đó, trường đại học này sẽ nhận được một khoản tài trợ từ thiện với tổng trị giá 155 triệu bảng Anh (hơn 200 triệu USD). "Món quà này sẽ có tác động thay đổi to lớn đối với nhà trường và chúng tôi vô cùng biết ơn sự hào phóng của họ", thông báo của trường cho biết.
Đáng chú ý, phía trường Linacre cho biết: "Sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, chúng tôi sẽ xin phép Cơ mật Viện đổi tên trường từ Linacre College thành Thao College để ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này".
Bà Thảo không phải là nhà tài phiệt mới nổi duy nhất của Việt Nam gây chú ý trên thế giới. Gần đây nhất là năm 2012, Việt Nam không có vị tỷ phú đôla nào. Nhưng hiện đất nước này đã xuất hiện 6 tỷ phú đôla, với tổng giá trị tài sản ròng gần 20 tỷ USD.
Danh sách này theo xếp hạng của Forbes bao gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.
Năm nay, ông Phạm Nhật Vượng lần thứ 9 góp mặt, với tài sản 7,3 tỷ USD, đứng thứ 344 thế giới và giảm so với năm ngoái khi ông đứng ở vị trí 286. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng lần thứ 5 góp mặt, với tài sản 2,8 tỷ USD, đứng thứ 1.111. Bà Thảo hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.
Ông Trần Bá Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, xếp thứ 1.931 thế giới. Tài sản của ông cũng tăng so với năm ngoái. Ông Dương thành lập Thaco vào năm 1997, khởi đầu là bán ô tô và sau đó lắp ráp cho các thương hiệu như Kia, Mazda hay Peugeot. Bước ngoặt đến với Thaco vào năm 2008, khi được Jardine Cycle và Carriage, một nhà phân phối xe hơi ở Singapore rót vốn. Năm 2016, Thaco trở thành doanh nghiệp ô tô lớn nhất Việt Nam, nắm 32% thị phần.
Ông Hồ Hùng Anh lần thứ ba góp mặt trong danh sách này. Tài sản của ông hiện tương đương ông Trần Bá Dương và cũng tăng so với năm 2020. Ông Hồ Hùng Anh là Chủ tịch ngân hàng Techcombank, một trong số những ngân hàng thương mại cổ phần lớn của Việt Nam. Techcombank đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vào tháng 6/2018. Ông từng tốt nghiệp cử nhân ngành Điện tử tại Đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Tại thị trường Nga, ông Hùng Anh chọn lĩnh vực mì gói và tương ớt để bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Đến năm 1990, ông bắt đầu kinh doanh hàng hóa giữa Việt Nam và Đông Âu. Đến năm 1995, ông Hồ Hùng Anh bắt đầu đầu tư vào ngân hàng Techcombank.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang năm nay quay lại danh sách tỷ phú, sau khi vắng bóng năm ngoái. Ông sở hữu 1,2 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long cũng tái xuất trong bảng xếp hạng của Forbes sau lần đầu năm 2018. Hiện tại, tỷ phú thép sở hữu 2,2 tỷ USD, đứng thứ 1444 thế giới. Ông Long thành lập Tập đoàn Hòa Phát vào năm 1992 ở Hà Nội. Giờ đây, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu cả nước và đang mở rộng ra nhiều ngành nghề như bất động sản, nông nghiệp...
Tờ Economist nhận định, chính phủ Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy các tập đoàn khổng lồ toàn cầu, tìm cách tạo ra những Samsung và Toyota mang đặc trưng của Việt Nam.
Chính nhờ vậy, các doanh nghiệp của các tỷ phú kể trên nổi lên nhằm phục vụ cho tầng lớp trung lưu đang phát triển. Năm nay với việc thị trường chứng khoán trong nước tăng vọt, có thể sẽ có nhiều triệu phú đôla nữa gia nhập "câu lạc bộ mười chữ số".
Nguồn: Economist, Forbes