Economics Bulletin (tạm dịch: Bản tin Kinh tế) là một tạp chí khoa học uy tín, thành lập vào năm 2001 bởi Myrna Wooders - một nhà kinh tế học người Canada, với tổng biên tập là giáo sư John P. Conley từ ĐH Vanderbilt.
Mới đây, một chàng trai người Việt đã có bản nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí này. Đó là Huỳnh Lưu Đức Toàn - hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Quản lý Otto Beisheim (Đức), với bản báo cáo có nội dung "Nhận thức rủi ro về Covid-19, khảo sát kinh tế xã hội và truyền thông" được anh thực hiện trong thời gian cách ly ở Khánh Hòa.
Nội dung bản nghiên cứu là gì, chúng ta sẽ thử khám phá xem sao.
Huỳnh Lưu Đức Toàn - nghiên cứu sinh người Việt tại Đức
*Nội dung dưới đây được lược dịch và trích dẫn từ bản nghiên cứu của Huỳnh Lưu Đức Toàn, đăng trên tạp chí Econimics Bulletin ngày 25/3/2020.
Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng từ yếu tố kinh tế xã hội và việc sử dụng mạng xã hội đối với nhận thức rủi ro của người Việt Nam về dịch bệnh Covid-19 - đất nước đầu tiên từng kiểm soát thành công dịch viêm đường hô cấp cấp SARS vào năm 2003. Kết luận sơ bộ của nghiên cứu cho thấy, vị trí địa lý và các hành vi khi sử dụng mạng xã hội sẽ làm tăng nhận thức về rủi ro nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Nghiên cứu cũng bổ sung tầm quan trọng của nhận thức rủi ro trong cộng đồng, nhằm giúp các ban ngành truyền đạt và phản ứng tốt hơn để hạn chế sự lây lan của virus corona chủng mới.
Trong nghiên cứu, tác giả đã thực hiện khảo sát trên 391 người, phạm vi độ tuổi từ 15 - 47, với những yếu tố về kinh tế, chính trị và địa lý gần gũi với nơi bùng phát dịch bệnh. Các ứng viên phải trả lời một số câu hỏi liên quan đến "nhận thức rủi ro", "đánh giá tin giả liên quan đến Covid-19" và "các thông tin chính thức được công bố."
Cụ thể, các ứng viên được hỏi về độ lo lắng đối với dịch bệnh, theo thang điểm từ 1 - 10. Ngoài ra cũng với thang tương tự, họ cần đánh giá sự lan truyền của tin tức giả (fake news) liên quan đến Covid-19, cùng với sự thông báo kịp thời của các tổ chức chính thức - như WHO hay Bộ Y tế Việt Nam. Và đồng thời, họ cần cho biết kênh thông tin mình thường xuyên tiếp nhận là gì.
Kết quả cho thấy, 24,55% ứng viên tham gia nghiên cứu lấy thông tin trên báo, 62,4% từ mạng xã hội (Facebook, Zalo), và số còn lại từ các nguồn tin khác. Về thời lượng tìm kiếm, có hơn 80% thừa nhận họ xem các tin tức về Covid-19 ít nhất là 2 lần/ngày.
Trong phần kết luận, tác giả đánh giá sự lây lan của dịch bệnh cần được giải quyết gấp, trong đó yêu cầu những hành động khẩn cấp từ chính phủ và cộng đồng. Hiểu được các yếu tố quyết định nhận thức rủi ro của cộng đồng sẽ có vai trò quan trọng để góp phần để việc phổ biến các thông tin phù hợp được hiệu quả hơn. Nghiên cứu cho thấy các ứng viên nhận thức về rủi ro từ 2 yếu tố: vị trí địa lý, và việc sử dụng mạng xã hội. Lượng thông tin quá lớn và việc lạm dụng mạng xã hội có thể gây ra những phản ứng thái quá đối với dịch bệnh, khiến công chúng sợ hãi không cần thiết, và cảm thấy tuyệt vọng quá mức trước rủi ro thực tế. Ngoài ra, sự khác biệt về nhận thức theo vị trí địa lý cũng sẽ là yếu tố quan trọng để giảm được mối đe dọa tự đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, tác giả cho biết mẫu nghiên cứu chỉ dao động trong độ tuổi 15 - 47. Những người cao tuổi hơn có thể sẽ có nhận thức rủi ro tăng cao, và cần đến các nghiên cứu trong tương lai để xác định điều này.
Tham khảo: Economics Bulletin