Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) vừa công bố báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2020. Sau kiểm toán, doanh thu của công ty mẹ năm 2020 đạt 15.203 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế năm 2020 lần lượt đạt 18.220 tỷ đồng và 68 tỷ đồng. Lợi nhuận riêng lẻ ghi nhận lỗ từ hoạt động vận chuyển hàng không thấp hơn báo cáo tự lập khoảng 31%, tương đương 1.453 tỉ đồng.
Với những kết quả trên, Vietjet là một trong số ít các hãng hàng không hiếm hoi duy trì được toàn bộ hoạt động khai thác chính và có kết quả kinh doanh có lợi nhuận trong năm 2020.
Theo báo cáo, Vietjet có tổng tài sản 45.197 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu đạt 17.325 tỷ đồng bao gồm cổ phiếu quỹ, chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức rất thấp 0,66 lần và chỉ số thanh khoản hiện hành tiếp tục duy trì ở mức 1,28 lần, mức tốt trong ngành hàng không thế giới. Để quản lý tốt chi phí vận hành trong mùa dịch, Vietjet quyết liệt triển khai các chương trình tiết kiệm chi phí, như tối ưu hoá khai thác theo giờ bay giảm 50%, giảm đơn giá 20% - 25% với nhà cung cấp, cắt giảm 10% chi phí hoạt động thông thường…
Ngoài ra, Vietjet triển khai thành công chương trình mua trữ xăng dầu, giúp giảm chi phí 25% so với thị trường. Cũng trong năm vừa qua, Vietjet trở thành hãng hàng không đầu tiên được phê chuẩn loại hình vận tải hàng hóa trên khoang hành khách. Tối ưu hóa tải trọng và mở rộng mạng bay quốc tế, Vietjet đã vận chuyển hơn 60.000 tấn hàng hóa với gần 1.200 chuyến bay.
Năm 2020 là năm đầu tiên Vietjet đưa vào vận hành Trung tâm Khai thác Mặt đất Vietjet (VJGS) tại sân bay quốc tế Nội Bài góp phần nâng cao chất lượng, dịch vụ, giảm chi phí thuê ngoài. Vietjet ghi nhận những kết quả khai thác tích cực như hệ số sử dụng ghế đạt trên 80%, tỉ lệ đúng giờ đạt trên 90% - tỉ lệ cao trên thế giới. Vietjet là hãng hàng không có độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64%, xếp hạng 7/7 sao về an toàn, được Airline Ratings bình chọn là hãng hàng không chi phí thấp an toàn nhất thế giới năm 2020.
Trong năm 2020, Vietjet tiếp tục đầu tư vào hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật, tiếp tục công tác đào tạo huấn luyện phi công, tiếp viên và sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế được mở lại cũng như đáp ứng tối đa nhu cầu nội địa. Vietjet duy trì các hoạt động đào tạo tại Học viện Hàng không Vietjet (VJAA) trong suốt năm 2020. Theo đó, VJAA đã thực hiện đào tạo 47.386 giờ cho nhân viên các bộ phận.
Do thực hiện cách ly nên công ty đã bố trí cho nhân viên tham dự các buổi học trực tuyến chiếm 31,7% và đào tạo trên lớp chiếm 68,3%. Năm 2021, VJAA sẽ triển khai các dự án xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị và kiến trúc, trong đó có lắp đặt mới buồng đào tạo lái mô phỏng (SIM) để đưa VJAA trở thành trung tâm đào tạo và thực hành hàng không cho Việt Nam và khu vực…
Hiện nay, thị trường nội địa đã trở lại hoàn toàn, tăng cao hơn năm 2019. Vietjet dự báo thị trường quốc tế sẽ khởi sắc lại vào quý IV/2021. Trong thời gian sắp tới, Chính phủ tiếp tục chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế và một số phí, đồng thời xem xét các biện pháp hỗ trợ tài chính, giảm lãi vay cho các hãng hàng không.
Hãng Hàng không thế hệ mới đã nhanh chóng khôi phục toàn bộ mạng bay nội địa trong năm 2020 và mở thêm các đường bay mới. Năm 2021, Vietjet sẽ tiếp tục lấy khách hàng là trọng tâm; triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 đồng bộ và quyết liệt nhằm đảm bảo tuyệt đối cho hành khách và nhân viên; triển khai chuyển đổi số toàn diện, tích hợp công nghệ vào tất cả các dịch vụ, thay đổi cách thức vận hành, tăng tốc hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao năng suất chất lượng phục vụ khách hàng, chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để quay trở lại bầu trời quốc tế ngay khi các điều kiện cho phép.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietjet mở rộng các hoạt động đầu tư dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính và các dự án để đảm bảo thực hiện chiến lược kinh doanh hiệu quả, bền vững.
Với kết quả kiểm toán hợp nhất 2020 và nguồn vốn chủ sở hữu trên 17000 tỷ đồng, đại diện Vietjet cho biết sẽ trình HĐQT kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo Nghị quyết Đại hội cổ đông đã thông qua.