TS. Cấn Văn Lực và Nhóm cộng sự Hoàng Nữ Ngọc Thủy, Đỗ Thế Tùng vừa đưa ra các đánh giá liên quan đến báo Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ trong đợt rà soát tháng 5/2019. Nhóm chuyên gia đã chỉ ra những điểm nhấn của báo cáo này.
Điểm nhấn đầu tiên là Bộ Tài chính Mỹ thay đổi các tiêu chí đánh giá quốc gia thao túng tiền tệ. Theo báo cáo này, về cơ bản Mỹ vẫn đánh giá hai vòng kiểm duyệt để xem một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không. Tuy nhiên, chi tiết đã có một số thay đổi. Ở vòng kiểm duyệt đầu tiên, Mỹ sẽ xem xét các đối tác thương mại chính có tổng kim ngạch thương mại hàng hóa song phương trên 40 tỷ USD (thay cho tiêu chí cũ là xem xét 12 đối tác thương mại lớn nhất).
Ở vòng thứ hai, Mỹ vẫn đưa ra 3 tiêu chí (ngưỡng) đánh giá khả năng một quốc gia thao túng tiền tệ. Tiêu chí 1 (C1) vẫn áp dụng ngưỡng thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD; tiêu chí 2 (C2) điều chỉnh ngưỡng thặng dư cán cân thanh toán xuống 2% GDP từ mức 3% GDP trước đây; tiêu chí 3 (C3) qui định thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục được điều chỉnh xuống 6/12 tháng thay vì 8/12 tháng trước đây.
Với các tiêu chí đánh giá chặt chẽ hơn như vậy, số quốc gia bị xem xét đã tăng từ 12 quốc gia kỳ trước lên 21 quốc gia kỳ này. Mặc dù chưa quốc gia nào bị gắn mác "thao túng tiền tệ"; tuy nhiên, số lượng các quốc gia nằm trong danh sách theo dõi khả năng thao túng tiền tệ cũng tăng từ con số 6 lên thành 9 (chạm 2 ngưỡng C1 và C2), trong đó có 5 quốc gia được bổ sung mới là Italy, CH Ireland, Singapore, Việt Nam và Malaysia và có 2 quốc gia được loại ra khỏi danh sách là Ấn Độ và Thụy Sỹ. Ngoài ra có 4 quốc gia tiếp tục được giữ nguyên trong danh sách theo dõi là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.
Điểm nhấn thứ hai, Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ lo ngại về đồng USD mạnh hơn và thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng lên. Trong báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ lo ngại về đồng USD mạnh hơn. Năm 2018, đồng USD đã tăng khoảng 5% về danh nghĩa, tăng mạnh hơn so với hầu hết các đồng tiền của cả quốc gia phát triển và mới nổi như đồng Real (Brazil), Rupee (Ấn Độ), Peso (Argentina) và Lira (Thổ Nhĩ Kỳ). Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đánh giá đồng USD cao hơn khoảng 8% so với mức trung bình 20 năm gần đây. Việc đồng USD mạnh hơn khiến tình trạng nhập siêu của Mỹ không thể cải thiện và làm tăng thêm sức nóng của chiến tranh thương mại.
Đánh giá về Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ có quan điểm khá tiêu cực. Mặc dù thặng dư cán cân vãng lai của Trung Quốc đã giảm xuống mức 49 tỷ USD năm 2018, từ mức 195 tỷ USD của năm 2017, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ lại tăng lên mức kỷ lục 419 tỷ USD năm 2018 (tăng 45 tỷ USD so với năm 2017). Bộ Tài chính Mỹ nhận định việc Trung Quốc tiếp tục sử dụng hàng rào phi thuế quan, cơ chế phi thị trường và các biện pháp phân biệt đối xử làm "méo mó" quan hệ thương mại.
Báo cáo cũng lo ngại về động thái điều hành tỷ giá của NHTW Trung Quốc và việc giảm giá mạnh của đồng CNY so với USD. Trong năm 2018, đồng CNY giảm gần 8% so với USD, trong khi tỷ giá tham chiếu cho thấy CNY giảm 5,4%. Qua đó, Bộ Tài chính Mỹ kêu gọi Trung Quốc nâng cao tính minh bạch trong việc điều hành tỷ giá đồng CNY, cải thiện điều kiện kinh tế và hệ thống chính sách để nâng giá trị đồng CNY nhằm giảm xuất siêu với Mỹ.
Liên quan đến Việt Nam, 1 trong 21 nước bị đưa vào danh sách giám sát, ngay sau khi báo cáo được công bố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng cho biết, việc nước ta bị lọt vào Danh sách giám sát trong Báo cáo tháng 5/2019 do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai. Thời gian tới, Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo dõi các thông tin, số liệu về thương mại, cán cân vãng lai, các chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Việt Nam và có thể sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam nếu cần thiết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, đồng thời tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế cũng như đặc thù của kinh tế Việt Nam, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh.