Sụt lún chưa từng có
Vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000ha, trong đó có hơn 100.000ha đất nông nghiệp và gần 45.000ha đất lâm nghiệp. Hiện nay, theo quy hoạch vùng ngọt hóa là 154.000ha, tuy nhiên sản xuất trong vùng này đan xen nhiều loại hình. Qua rà soát thì diện tích thực tế phục vụ sản xuất hệ sinh thái ngọt là 100.591ha.
Theo đó, vùng được chia làm 5 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng III và phần lớn tiểu vùng II, Bắc Cà Mau còn giữ được ngọt hoá. Vùng có 120km đê, 69 cống xây dựng cơ bản, 4 trạm bơm và hơn 2.200km kênh các cấp.
Theo thống kê của UBND tỉnh Cà Mau, tính đến thời điểm hiện nay, các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạng nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc; đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 21.600m (trong đó tại huyện Trần Văn Thời có 578 vị trí sụp lún lộ bê tổng với tổng chiều dài gần 12.200m, 326 vị trí sụp lún lộ đất đen với tổng chiều dài hơn 9.100m).
Các nhà khoa học khảo sát tại điểm sụt lún trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc. (ảnh: Chúc ly)
Theo đó, nguyên nhân sụt lún được ngành chức năng tỉnh Cà Mau xác định ban đầu là do mất phản áp của nước vào thành bờ sông do tình trạng khô hạn gây ra. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như đặc điểm địa chất yếu, một số công trình hạ tầng nằm gần bờ sông, gia tải lớn, lòng sông sâu… gây ra sạt lở, sụt lún.
Bên cạnh đó, ở năm 2016, khi hiện tượng Elnino xảy ra, nắng nóng gây hạn hán kéo dài, chênh lệch mức nước phía biển Tây với nội đồng lên trên 2,5m, gây mất phản áp, đã xảy ra hiện tượng xói bản đáy cống Đá Bạc làm nước mặn xâm nhập vào phía đồng.
Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Cà Mau cần có chiến lược trong sử dụng nguồn nước mưa. Tài nguyên nước mưa tại Cà Mau rất phong phú, cần có giải pháp sử dụng hợp lý phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Tỉnh cũng cần nghiên cứu việc bố trí mùa vụ dựa trên nền tảng hệ thống công trình có sẵn, có thể chia sẻ nguồn nước ngọt trong nội bộ tỉnh Cà Mau. |
Đáng chú ý là liên tiếp xảy ra 2 vụ sụt lún tuyến đê biển Tây với chiều dài gần 200m trên địa bàn xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời), với nhiều vị trí lún sâu khoảng 2m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Từ đó dẫn đến nguy cơ nước mặn xâm nhập vùng ngọt hóa, nhất là vào thời điểm triều cường hàng tháng.
Theo khảo sát của phóng viên tại các xã Khánh Bình Tây, Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, các tuyến kênh nội đồng đang ở mức khô hạn báo động, nhiều tuyến kênh cấp 2, 3 cạn trơ đáy. Hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn khi đây là thời điểm thu hoạch lúa.
Ông Nguyễn Trường Đời - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), cho biết: “Thông thường hàng năm, lúa của bà con vận chuyển ra đến bãi tập kết chỉ mất 250 đồng/kg lúa. Nhưng năm nay, tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt làm các tuyến kênh, gạch khô cạn, người dân không thể vận chuyển; lúa bằng đường thủy, còn đường bộ thì bị sạt lở không thể vận chuyển bằng xe tải. Bà con phải vận chuyển bằng phương tiện xe hai bánh, khiến chi phí tăng lên gần gấp đôi (từ 250 đồng lên 400 - 500 đồng/kg lúa vận chuyển), chưa kể thời gian vận chuyển rất chậm”.
“Hiện còn có tình trạng nghiêm trọng hơn là nông dân thu hoạch rồi, nhưng không có thương lái để bán. Bởi đoạn đường vận chuyển xa, tốn nhiều thời gian, thương lái sợ lỗ vốn nên không vào thu mua” - ông Đời nói thêm.
Tại vị trí sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc (thuộc ấp Cơi 6B, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), ông Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nhận định: “Vị trí sạt lở trên tuyến đường này khá nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể là do mực nước ở dưới kênh dẫn bị hạ thấp quá nhiều so với hàng năm và việc sạt lở đường chỉ xảy ra ở từng đoạn, cho thấy phía sau đường chắc chắn sẽ có một cái ao hoặc hồ nước, dẫn đến sự chênh lệch mực nước giữa trong và ngoài gây ra sạt lở, còn về mặt kỹ thuật làm đường đều ổn định”.
Hiện tại, 2 vị trí bị sụp lún trước đó không xảy ra sụt lún thêm. Tuy nhiên, ở hai đầu của vị trí bị sụt có dấu hiệu lún tiếp tục (chiều dài khoảng 40m) nếu không có biện pháp gia cố kịp thời. Ngoài ra, mực nước dưới kênh xáng Minh Hà đã cho thấy dấu hiệu cạn kiệt nước.
Tìm cách cứu các công trình giao thông
Theo UBND tỉnh Cà Mau, dự báo mùa khô năm nay có thể kéo dài đến tháng 5 hoặc tháng 6. Nhưng hiện tình hình sụt lún, sạt lở đã xảy ra nghiêm trọng, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhưng chưa có hiệu quả. Nếu tình trạng sụt lún kéo dài đến hết mùa khô, thiệt hại sẽ rất lớn.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn khảo sát tại điểm sụt lún đê biển Tây. (ảnh Chúc Ly)
Tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn do UBND tỉnh Cà Mau tổ chức, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Vừa qua ở vùng ngọt hóa của tỉnh liên tiếp xảy ra các sự cố công trình giao thông. Tỉnh đang cân nhắc, xem xét và nghiên cứu đến vấn đề công bố tình huống sự cố công trình để xử sự từ khắc phục, bảo vệ công trình”.
Cũng theo ông Sử, qua khảo sát thực tế ở các công trình xảy ra sụt lún, tỉnh đã đề xuất với các chuyên gia, cơ quan chuyên môn của bộ, ngành để xử lý tình huống trước mắt của Cà Mau là chấp nhận mở cống đưa một lượng nước mặn phù hợp vào vùng ngọt hóa để tạo phản áp lên bờ kênh, hạn chế sụt lún, sạt lở. Tuy nhiên, tỉnh rất cần sự hỗ trợ của đại biểu để hỗ trợ đưa ra giải pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Ông Trần Triều Tiên - Chủ tịch UBND xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, thông tin: Trước Tết Nguyên đán 2020, do khô hạn, trên địa bàn đã xảy ra 161 vị trí sụt lún đất, diễn ra rất nhanh, liên tục. Tuy nhiên khi nước mặn vào đã ổn định lòng sông, từ đó đến nay trên địa bàn không còn xảy ra sụt lún đất. Lượng nước mặn chỉ giữ ở một lượng nhất định, nằm sâu dưới lòng sông, không thể xâm nhập lên đồng ruộng.
Tuy nhiên, một số nông dân ở vùng ngọt hóa cho rằng, nếu cho nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế sụt lún, có thể dẫn đến việc một số người lấy nước mặn để nuôi tôm, điều này sẽ phá vỡ hệ sinh thái ngọt trong vùng.
Ở khía cạnh khác, TS Doãn Minh Tâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đưa ra nhiều vấn đề về tìn trạng sụt lún trên tuyến đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc. Trong đó có việc nhà đầu tư lấy đất ở đâu, đắp như thế nào. Đồng thời, ông Tâm cho rằng Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc là đoạn đường trên nền đất mới hoàn toàn và đã chịu tải trọng.
“Vì vậy, người thiết kế có tính đủ các yếu tố và biện pháp xử lý chưa. Đây là sự cố công trình sụt trượt đất trên nền đất yếu và mang tính cục bộ không mang tính tổng thể do điều kiện tự nhiên gây ra” - TS Tâm nói.
Nói về vấn đề dẫn nước vào vùng ngọt để hạn chế sụt lún công trình, theo TS Tâm, áp lực nước chỉ chiếm 1 tấn/1m3, phương án đưa nước vào nó không phụ thuộc vào không gian nước mà chỉ phụ thuộc vào chiều cao nước. Đưa 1m nước thì tăng được áp lực chống lại 0,1 kg/m2, không có ý nghĩa lớn về việc chống lại sự cố trên. Tỉnh cần cân nhắc biện pháp đưa nước mặn vào vùng ngọt. Việc đưa nước vào chỉ có ý nghĩa giải mực chân nước trong lòng. Giải pháp trước mắt, khuyến cáo tập trung chỉ đạo nghiên cứu xử lý cục bộ bằng biện pháp công trình…
Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, nêu ý kiến: “Ở vùng ngọt của Cà Mau, cả 5 loại hình cơ cấu mùa vụ đều ảnh hưởng bởi hạn mặn. Tập quán trồng giống Một bụi đỏ đã có từ lâu, để thay đổi là rất khó khăn. Đồng thời, cái khó còn nằm ở cả một hệ thống của thương lái”.
Theo ông Tùng, vấn đề lớn của Cà Mau hiện nay là về thủy lợi, hiện tại hệ thống thủy lợi của Cà Mau chưa khép kín, chỉ khép kín trên từng ô nhỏ. Đây là một đặc điểm riêng trong cơ cấu sản xuất lúa của Cà Mau. Trong khi đó, ở một số vùng khác thì các ô thủy lợi rất lớn, có thể thấy địa hình của Cà Mau không được thuận lợi như các tỉnh khác, cao trình của Cà Mau chỉ cao từ 0,8 - 1m, trong khi đó cao trình của các tỉnh tại ĐBSCL từ 0,8 - 1,8m.
Đê biển Tây bị “chọc thủng” Giải pháp mới sẽ hiệu quả |